Nghịch lý là bên cạnh những lời chỉ trích, các phim có đề tài về “giang hồ áo trắng” vẫn nhận rất nhiều lượt xem đến mức lọt cả vào Top Trending (thịnh hành) trên YouTube. Có thể kể rất nhiều phim có tựa na ná nhau như: Lớp trưởng tôi là đại ca, Bạn trai tôi trùm trường, Bạn gái tôi trùm trường, Cô giáo tôi là trùm cuối, Thiếu gia đi học, Đại ca đi học, Con nhà giàu đi học, Giang hồ đi học, Giang hồ học đường, Đại ca giang hồ học đường, Trùm trường đại chiến… Chỉ cần nghe qua các tựa phim cũng có thể hình dung các phim này thể hiện, chuyển tải điều gì, và có hình ảnh, cảnh quay ra sao. Đa số đều là những cảnh gây hấn, đánh lộn, chửi thề, nói tục… của những nhân vật đóng vai học sinh mặc áo trắng đến trường nhưng mặt mũi đằng đằng sát khí, tóc tai nhuộm xanh đỏ và luôn xuất hiện một nhóm có “đại ca”, “đàn em”, “lính lác”… như trong các phim bộ xã hội đen của Hồng Kông thập niên 1990 - 2000. Đáng nói khi trong series Phim Học đường 2020 - Bạn gái tôi trùm trường lại có nhiều cảnh “cô học sinh trùm trường” cởi áo khoe thân, khoe ngực, mặc mỗi đồ lót. Còn chuyện những cảnh quay học sinh đi ăn nhậu, uống bia cả thùng, tổ chức hỗn chiến đánh nhau vì tranh giành bạn gái… nhiều vô số kể.
Chị Ngọc Nhi (một phụ huynh ở Q.1) cho biết: “Tôi quá bất ngờ, một bữa tôi tình cờ liếc nhìn qua máy tính của con mình đang học lớp 8 vì nghe tiếng đánh đấm ì đùng, thấy cảnh nguyên một đám học sinh mặc áo trắng học đường đánh nhau, mới biết con mình đang xem phim Việt trên mạng. Lần giở ra những đường link thì thấy quá nhiều phim kiểu này. Tôi không hiểu tại sao lại có kiểu tư duy làm phim như thế, mà nhiều đạo diễn, nhà sản xuất nhảy vào khai thác? Phải chăng do lợi nhuận quảng cáo và làm phim như vậy sẽ thu lợi từ lượt view? Nhưng cứ vậy thì hệ lụy sẽ ra sao?”. Ngay dưới các bản phim đăng tải, ngoài những bình luận… khen “xem rất đã”, cũng có vô số những ý kiến bức xúc, phản bác cách làm phim này và mong “nên dừng lại!”.
|
Trước đó, một loạt nghệ sĩ Việt đã từng nổi tiếng khi tung ra nhiều phim giang hồ chiếu mạng như Thu Trang, Quách Ngọc Tuyên, Nam Thư, Lâm Chấn Khang, Việt Hương, Ưng Hoàng Phúc…, trong đó ca sĩ Hồ Quang Hiếu với phim ca nhạc Thiếu niên ra giang hồ nhận được nút Play vàng. Cứ thế, “vũ trụ giang hồ” trong phim chiếu mạng hình thành, được nhiều nghệ sĩ chạy theo do có đông người xem; dẫn đến việc các nhóm làm phim trẻ chưa tên tuổi, các YouTuber cũng bắt chước đi theo xu hướng này.
Sự ảnh hưởng tiêu cực của dòng phim giang hồ đến giới trẻ là rất rõ ràng, nhưng những nhà quản lý văn hóa dường như chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả. Lâu nay, vì sự chồng chéo trong quản lý sản phẩm trên mạng, nên các phim phát trên nền tảng này không cần phải xin phép, cứ thế tung lên mạng, chỉ khi nào bị báo cáo nội dung thì đơn vị kiểm duyệt YouTube mới xem là vi phạm để dừng chiếu hoặc chỉnh sửa. YouTube chỉ loại bỏ những nội dung sex, bạo lực, thuần phong mỹ tục ở dạng “đậm màu” nguy hại, còn phim nào làm nhẹ nhẹ những yếu tố này vẫn vô tư được phát sóng.
NSND Kim Xuân nêu ý kiến: “Đã là một nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội chứ không phải muốn tung ra sản phẩm phim ảnh kiểu gì thì cứ mặc nhiên mà ra mắt. Chỉ khi nào tác phẩm có tính giáo dục, thẩm mỹ thì mới có giá trị, tên tuổi của mình mới được giới chuyên môn, khán giả ghi nhận, đánh giá tốt”.
Bình luận (0)