Diêm Liên Khoa viếtTứ thư để “dâng tặng hàng ngàn hàng vạn trí thức còn sống và đã chết cùng thời kỳ lịch sử bị lãng quên”. Đó là thời kỳ cách mạng Đại nhảy vọt của Trung Quốc cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960.
|
Chuyện xảy ra ở trại cải tạo dành cho các trí thức, được gọi là khu Dục Tân (đào tạo và bồi dưỡng con người mới), nằm ven bờ sông Hoàng Hà. Trại viên của khu Dục Tân khoảng 23.300 người, chín mươi phần trăm là trí thức. Giáo sư, cán bộ, học giả, nhà văn, thầy giáo, bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… dù cho kiến thức chất đầy năm xe, tài cao tám đấu, tất tần tật đều bị đưa đến đây lao động cải tạo, bồi dưỡng để thành con người mới. Và thật kinh khủng, cuộc cách mạng bồi dưỡng đó đã thành công!
Trại cải tạo đã làm mới các trí thức. Mới đến mức tất cả đều từ tốt biến thành xấu, cao thượng biến thành thấp hèn; từ con người biến thành kẻ “mất tư cách làm người”. Họ biến thành súc vật? Không, ví như thế thì rất tội cho súc vật. Họ biến thành ác thú? Không, ví như thế thì ác thú sẽ kêu oan. Họ biến thành ma quỷ? Không, ví như thế thì quá bất công với ma quỷ. Họ biến thành những sinh vật kỳ quái, kinh dị đến mức không thể so sánh được với bất cứ sinh loài nào trên thế gian này.
Khu Dục Tân được chia lô đánh số gồm 99 khu. Khu thứ 99 có 127 trại viên trí thức cải tạo dưới quyền lãnh đạo tối cao của nhân vật được mệnh danh là Con Trời - bộ đội phục viên. Lao động vất vả, thiếu ăn thiếu mặc, thành tích giả dối, sách vở bị đốt…, các trí thức đều khao khát được trở về nhà. Họ cắt máu tưới cho lúa ngô để tăng năng suất; rình rập người khác phạm tội để bắt bớ, tố cáo nhằm lập công. Trộm cắp, gian dối, so bì, soi mói, đố kỵ, hãm hại… những tiềm năng ác độc trong con người được phát huy tối đa.
Mất mùa và thiên tai khiến cái đói trở thành đại nạn. Đói! Đói lay lắt. Đói dữ dội. Đói kiệt cùng. Chết! Chết vì đói. Chết vì rét. Chết vì vừa đói vừa rét.
Những người còn lại không đủ sức khiêng người chết đi chôn, đành chất chồng thi thể đông cứng của họ trong một gian nhà. Cuối mùa đông, sau khi ăn hết cả cỏ dại, dây nịt, giày dép…, các trại viên đã tự cứu mình bằng cách ăn thịt những người chết. Giáo sư, giáo viên, bác sĩ, chuyên gia, học giả…; đàn ông, đàn bà; người già, người trẻ… đều nhóm bếp luộc thịt người. Mùi thịt theo khói bốc lên tanh tưởi. Tiếng húp xì xoạp. Có người ăn để đủ sức treo cổ mình lên xà nhà, có người ăn để chờ ngày được trở về nhà. Tổng cộng năm mươi hai xác chết đông cứng, không xác nào còn nguyên vẹn, chỗ nào có thể xẻo ăn được đều bị ăn hết.
|
Không chỉ riêng khu Dục Tân bị đói, mà Bắc Kinh cũng đói, toàn đất nước đều đói. Con Trời đành phát cho mỗi trí thức một túi đậu tương rang, một ngôi sao đỏ bằng sắt để họ có thể trở về nhà mà không bị bắt, cho họ lấy lại những quyển sách còn sót sau vụ đốt sách mà lâu nay anh ta âm thầm phục chế, bảo bọc. Con Trời không ra đi cùng họ. Anh ta đóng một cái giá gỗ lớn hình chữ thập, tự đóng đinh mình trên đó. Máu chảy ròng ròng…
Con Trời phóng thích các trại viên, thực chất là trả họ từ nơi đói khát này về nơi đói khát khác. Về phần mình, anh chọn cái chết như chúa Jesus. Chết vì giác ngộ sau bao đêm âm thầm đọc Kinh thánh và sách vở tịch thu được hay chết vì sụp đổ lý tưởng? Có lẽ cả hai.
Đề cập đến những chủ đề lớn như lịch sử, sinh mệnh, nhân tính, Tứ thư là bi kịch của người trí thức, là sự phản tư đầy quyết liệt và đau đớn về lịch sử Trung Quốc hiện đại. Đồng thời, Diêm Liên Khoa đã tiếp nối một cách xuất sắc mô-tip “ăn thịt người” trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Thử thách lương tri của người trí thức bằng những tình huống nghiệt ngã nhất, Diêm Liên Khoa đã khiến người Trung Quốc phải đối mặt với “vết thương” lịch sử một cách trần trụi qua bút thuật vô cùng sáng tạo, vô cùng tàn nhẫn. Mỗi cuốn sách trong Tứ thư được viết theo một thể văn khác nhau: thể Kinh thánh, thể tự bạch, thể báo cáo chính trị và thể chuyện kể dân gian. Rất nhiều câu văn ngắn, cực ngắn, siêu ngắn. Thủ pháp trùng chương điệp cú được rải đều khắp. Nhiều dấu câu không đúng quy phạm ngữ pháp, từ đơn nhiều hơn từ ghép và từ láy, danh từ và tính từ được động từ hóa tạo nên sự khác lạ đầy tính bất trắc. Nhiều câu văn được trích dẫn trực tiếp từ Sáng Thế ký như ẩn dụ về sự tẩy trắng văn minh, trở về thuở hồng hoang mà cách mạng Đại nhảy vọt đã gây ra cho khu Dục Tân nói riêng và cả đất nước Trung Quốc nói chung…
Nhân vật của Tứ thư không có tên. Tất cả đều được gọi theo danh phận trước đây: học giả, tôn giáo, giáo sư, bác sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, thí nghiệm, pháp luật… Cách gọi này mang tính mỉa mai một cách đau đớn, đồng thời có ý nghĩa khái quát rất cao. Sự khái quát đó hàm ý nỗi bất hạnh lớn này không chỉ xảy ra cho từng/những cá thể mà xảy ra cho cả một lớp người vốn được xem là tinh hoa của xã hội, là rường cột của quốc gia. Số phận của họ bị điều khiển bởi sự phi lý. Phi lý lịch sử đổ ụp xuống cuộc đời họ khiến cho nhân cách, lý tưởng, niềm tin và tất cả những gì cao đẹp thiêng liêng nhất đều sụp đổ. Họ bị đẩy xuống tận cùng của những dối trá, lường gạt, cơ khổ; phải làm những việc không nên làm, sống cuộc đời không nên sống, chết cái chết không đáng chết. So với thời của Tần Thủy Hoàng, sự trừng phạt, hành hạ trí thức của thời cách mạng càng dai dẳng hơn, khắc nghiệt hơn, tàn bạo hơn, khốc liệt hơn.
Giống như Vì nhân dân phục vụ, Kiên ngạnh như thủy, Phong nhã tụng, Đinh Trang mộng… Tứ thư cũng đi thẳng vào đề tài gai góc. Viết để đối thoại, để chuộc lỗi, để ăn năn, để trừng phạt và để sòng phẳng với lịch sử..., một lần nữa, Diêm Liên Khoa đã tỏ rõ sự dũng cảm và chân thành của mình bằng cách chọn “những điều không được phép viết”. Ông cho rằng, “khi bạn chọn điều đó, thì bạn phải chấp nhận vứt bỏ tất cả, kể cả cơ hội được xuất bản tác phẩm”. Chọn điều đó, nghĩa là bạn đang viết cho chính mình, bạn có thể viết bất cứ điều gì mình muốn. “Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn”.
Kiên trì với quan điểm sáng tác đó, Tứ thư - tác phẩm mà Diêm Liên Khoa ưng ý nhất, hoàn thành năm 2010 nhưng bị hơn mười nhà xuất bản trong nước từ chối. Năm 2013, Tứ thư được xuất bản ở Đài Loan. Năm 2014, tác phẩm được trao giải thưởng văn học Kafka. Hội đồng trao giải chọn Diêm Liên Khoa bởi vì Tứ thư là đỉnh cao sáng tác của ông, và vì ông là nhà văn “có dũng khí đối mặt với hiện thực” - thứ hiện thực nghiệt ngã và tăm tối mà cả giới trí thức và lịch sử Trung Quốc đều không dám ngoái đầu nhìn lại.
Bình luận (0)