Tượng vua Lý Thái Tông chỉ để tại trụ sở Tòa tối cao

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/04/2020 06:31 GMT+7

Phác thảo tượng vua Lý Thái Tông sẽ phải sửa để “ra” văn hóa thời Lý, cũng như có “chất tư pháp”. Bức tượng này khi hoàn thành sẽ được đặt tại trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao.

Không phải là biểu tượng công lý

Sau những ý kiến phản biện về việc vua Lý Thái Tông không thể là biểu tượng công lý, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã sửa lại thuyết minh cho dự án tượng sẽ đặt trong khuôn viên. Bức tượng vua Lý Thái Tông không còn là biểu tượng công lý và xét xử trong lịch sử VN nữa mà trở về với “danh hiệu” đã được các nhà nghiên cứu lịch sử tôn vinh qua hội thảo khoa học cũng như lấy ý kiến. Theo đó, ông là “nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử VN”.

Dãy tượng các cố chánh án TANDTC

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng cần có quy hoạch tổng thể trụ sở mới, quy hoạch ngoài vườn để có thể đặt dãy tượng các cố chánh án TANDTC. Việc này cần được nhìn theo hướng có một quy hoạch thống nhất hoàn thiện từ vua Lý Thái Tông đến chánh án sau này của tòa án.
Ông Ngô Tiến Hùng, Chánh văn phòng TANDTC, cho biết: “Về nội dung khắc trên đế tượng vua Lý Thái Tông, nhiều ý kiến cho rằng không nên ghi là biểu tượng công lý và xét xử trong lịch sử VN mà chỉ nên ghi là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử VN. Văn phòng đề xuất tiếp thu nội dung này”.
Cũng theo ông Hùng, bức tượng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử VN này sẽ chỉ đặt ở trụ sở TANDTC (43 Hai Bà Trưng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TANDTC đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, bức tượng này sẽ chờ hoàn thiện sáng tác xong mới tính việc xây dựng. “Việc xây dựng tượng nếu có trong tương lai thì vào thời điểm thích hợp, nhưng không phải bằng ngân sách, mà bằng đóng góp của cán bộ trong ngành”, ông Bình nói.

Tượng hai bố con vua giống nhau

TANDTC đã “bỏ hết trứng vào một giỏ” khi mời nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường (nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH-TT-DL) sáng tạo cùng lúc
3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Những bức tượng này, theo thuyết minh của ông Cường, đều có những yếu tố liên quan đến lý do nhà vua được chọn làm nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử VN. Các yếu tố được lặp lại trong các bức tượng là: Bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta do vua Lý Thái Tông cho biên soạn; quả chuông liên quan đến việc vua cho đúc chuông để dân đến kêu oan; chiếc cân công lý là biểu tượng của tòa án.
Các phác thảo này còn một điểm giống nhau nữa là quá giống tượng Lý Thái Tổ (bố vua Lý Thái Tông) được đặt gần hồ Hoàn Kiếm. Về điều này, ông Cường nói: “Vua đương nhiên quần áo giống nhau, chỉ khác nét mặt. Bố con giống nhau là đúng nhưng ở đây, tôi làm khác chút, với nét mặt vui tươi như đang đối thoại với người dân”.
Ông Cường cũng cho biết các bức tượng đều sử dụng rồng thời Lý để gợi tả về thời đại mà vua sống. “Thời Lý chỉ có rồng thôi. Thứ nữa là hoa văn sóng nước, tôi đã lấy từ hoa văn đặc trưng thời Lý này từ cột chùa Dạm”, ông Cường nói.

Phá bố cục, bổ sung chi tiết

Theo các thành viên hội đồng, bức tượng vua Lý Thái Tông cần có nhiều yếu tố văn hóa thời Lý, nhiều yếu tố văn hóa tư pháp hơn để có thể dễ dàng nhận diện.
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng việc cầm Hình thư là một nét để có thể nhận diện nhân vật. Tuy nhiên, vua Lý Thái Tông còn có câu chuyện riêng là đổi niên hiệu thành Minh Đạo, nghĩa là đường sáng. Ông cũng cho đúc đồng tiền Minh Đạo. Vì thế, ông Ngọc cho rằng nếu trên tượng, bằng cách nào đó, có thể hiển thị đồng tiền này thì dễ nhận diện nhà vua.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL (nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm), cho rằng nên tạo hình vua Lý Thái Tông đứng cạnh ghế chánh án. “Theo tôi nên thay đổi bố cục của tượng này để nó không trùng lặp với tượng Lý Thái Tổ ở vườn hoa sát hồ Hoàn Kiếm. Có thể có thêm cái ghế chánh án ngay cạnh vua Lý Thái Tông, như vừa xét xử xong và đứng dậy”, ông Thành nói.
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng có thể bổ sung tạo hình chiếc giá treo chuông, là chiếc chuông vua Lý Thái Tông đã cho đúc để dân tới đánh kêu oan. “Tôi không biết chuông sẽ tạo hình ra sao, nhưng chuông sẽ có giá treo chuông. Trên đó, chúng ta có thể có những triết lý về pháp luật của ông”, ông Quốc nói.
Về những đề nghị này, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Tinh thần chung là anh em muốn tác giả thể hiện bức tượng thuần Việt hơn, giàu bản sắc thời Lý hơn, mang bản chất nền công lý xét xử tư pháp hơn. Qua đó, có thể giáo dục lịch sử, thượng tôn pháp luật, giáo dục phẩm chất thanh liêm gần dân của vua Lý Thái Tông. Tượng này dựng ở tòa án thì có tác động tới các thẩm phán”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.