Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 1: Tiếng nói tâm tình trong lao động

01/12/2014 17:15 GMT+7

(TNO) Dân ca Nghệ Tĩnh với các thể hát ví, hát dặm là máu thịt của người dân xứ Nghệ, từng có nguy cơ thất truyền, vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

>> Xây dựng hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO
>> Nhã nhạc cung đình Huế “xuống đường” phục vụ công chúng
>> Rủ nhau học hát dân ca
>> Đưa trò chơi dân gian, hát dân ca vào trường học

Rất khó để xác định thời điểm ra đời của ví, dặm Nghệ Tĩnh, nhưng các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, loại hình nghệ thuật này đã có từ rất lâu đời và nó ra đời gắn với đời sống lao động của người dân vùng này.

"Đặc sản" văn hóa của người Nghệ Tĩnh

Nhạc sĩ Thanh Lưu, nguyên Trưởng đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh cho rằng, thời xa xưa, trong kho tàng văn hoá dân gian vùng Nghệ Tĩnh, ví, dặm là loại hình tiêu biểu, mang sắc thái bản địa rõ nét nhất, được xem như một thứ "đặc sản" văn hóa quý báu của người dân xứ Nghệ.

Dân ca Nghệ Tĩnh gồm nhiều thể, trong đó có 3 thể phổ biến nhất là hát ví, hát dặm và hò. Nhạc sĩ Thanh Lưu cho rằng, hát ví thuộc thể ngâm vịnh, theo phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...). Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Tình điệu (tính biểu cảm) thì tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát.
 

 hat-vi-phuong-vai
Ví phường vải - Ảnh: Phạm Đức

Ví có những làn điệu tiêu biểu như: Ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví trèo non, ví mục đồng... “Đặc tính chung của ví là trữ tình, nghe trang trải mênh mang sâu lắng, xao xuyến bâng khuâng, ân tình tha thiết. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm, hồn nhiên, tươi trẻ”, nhạc sĩ Lưu nói.

Dặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/vè 5 chữ). Dặm có những làn điệu như: Dặm kể, dặm cửa quyền, dặm ru, dặm vè, dặm nối... Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Đặc tính chung của dặm là tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần, cũng có khi dí dỏm châm biếm hoặc trữ tình giao duyên.

Ra đời từ lao động
 
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho rằng, ví, dặm Nghệ Tĩnh có một đặc tính khá đặc biệt. Khác với dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành và gắn liền với sinh hoạt lễ hội, đờn ca tài tử gắn với những sinh hoạt tụ hội, nhã nhạc cung đình gắn với những hoạt động nghi lễ trang trọng..., hò, ví, dặm Nghệ Tĩnh gắn với cuộc sống lao động. “Hò, ví, dặm Nghệ Tĩnh luôn có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, không kể bất kỳ thời gian, không gian nào. Người dân xứ Nghệ xưa có thể hát dân ca lúc chèo thuyền trên sông, lúc lấy củi trên rừng, lúc cày bừa, cấy gặt trên đồng, lúc hái dâu, dệt vải, lúc ru em, ru con trong gia đình; trai gái xứ Nghệ hát dân ca lúc hẹn hò, giao duyên, lúc hội hè, đình đám...”, bà Lựu lý giải.
 
Có thể xem đây là một đặc điểm riêng khi so sánh với dân ca các vùng miền khác. Điều này cho thấy ví, dặm Nghệ Tĩnh có khả năng ứng tác rộng rãi, tự nhiên trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Mỗi một công việc, một làng nghề của xứ Nghệ lại có những làn điệu riêng phù hợp với đặc điểm và nhịp độ của công việc.

Nhịp điệu của ví, dặm rất phong phú, linh hoạt và tự do, có thể phù hợp với rất nhiều ngữ cảnh sinh hoạt khác nhau, nhiều cung bậc tình cảm, tâm trạng khác nhau của con người.
 
“Ví, dặm không chỉ là tiếng nói từ lao động, tiếng nói tâm tình mà còn phản ánh đời sống của người dân xứ Nghệ. Chính vì vậy, nội dung của nhiều làn điệu mang tính thời sự rõ nét. Mỗi giai đoạn với những biến động xã hội đều có thể được phản ánh, lưu lại trong lời ca những dấu ấn riêng, giúp thế hệ sau hình dung được sự kiện, tâm tư, tình cảm... của từng giai đoạn lịch sử”, bà Lựu giải thích.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu cũng cho rằng, chất liệu ví, dặm sau này đã phát triển thành những ca khúc mang hơi thở và nhịp sống hiện đại. Những ca khúc này đều nổi tiếng, được ưa thích bởi âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng của nó, như: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Câu hò trên đất Nghệ An, Tiếng hát sông Lam, Trông cây lại nhớ đến Người, Từ làng Sen, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ...

Thời điểm ví, dặm ra đời đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, hình thái văn hóa dân gian này đã có từ rất lâu.

Bà Phan Thu Hiền, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du  lịch Hà Tĩnh cho rằng, đại thi hào Nguyễn Du (cuối thế kỷ 18) từng say mê với hát phường vải Trường Lưu (huyện Can Lộc) và gắn bó với hát ví phường nón Tiên Điền (huyện Nghi Xuân). Ông đã viết 34 câu thơ mang sắc màu địa phương và ngôn ngữ của phường nón để tâm sự chuyện đời, chuyện người. Điều đó cũng cho thấy, xưa kia, ví, dặm đã gắn bó như máu thịt với người dân xứ Nghệ.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.