Vu khống trục lợi trên mạng xã hội là do thiếu điểm tựa về đạo đức

11/11/2019 15:02 GMT+7

Vu khống vô căn cứ, bắt nạt tập thể, bạo hành tinh thần... là những vấn đề đáng báo động đang diễn ra trên mạng xã hội hiện nay.

Không riêng gì giới nghệ sĩ, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “con mồi” của những kẻ bất chính. PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn đã có những chia sẻ cụ thể về tình trạng này.

Sự hung hãn của con người bắt đầu từ sự dồn nén

* Là người nghiên cứu các hành vi tâm lý xã hội học, ông có thể cho biết vì sao việc vu khống, lan truyền thông tin thất thiệt trở nên phổ biến và vô cùng manh động như hiện nay?
- PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Đây là một phần của xã hội ảo và nó cũng chính là một biểu hiện của xã hội truyền thông hiện đại. Từ việc đời tư đến cả các vấn đề về làm ăn, kinh tế, quan hệ xã hội đến vấn đề xã hội, đều được tung ra, khai thác một cách thiếu căn cứ, thiếu kỹ thuật cũng như một cách thiếu nghiêm túc đủ màu sắc khác nhau. Tất cả phản ánh một diễn tiến thiếu điểm tựa về đạo đức truyền thông, thiếu sự chuẩn mực trong hành vi truyền thông của một bộ phận trong xã hội.
* Động cơ gì khiến người sử dụng mạng xã hội dễ trở nên hung hãn và mạnh miệng phán xét sự việc trên mạng xã hội đến vậy?
- Sự hung hãn của con người còn có thể lý giải bắt đầu từ sự dồn nén những xung năng trước cuộc sống áp lực. Không ít người xem việc xem tin nhảm, truyền thông nhảm là thói quen giải trí hay hành vi vui. Song song đó, cũng có một số cá nhân giản đơn hóa việc truyền thông để gây chú ý, gây ấn tượng hay lôi kéo người khác về mình bằng cách xây dựng hình ảnh và tạo ảnh hưởng.
Thậm chí, một vài cá nhân có học vị, có hình ảnh nhất định vẫn rơi vào chiếc bẫy truyền thông bởi hào quang của đám đông trao tặng. Cái likes, cái comment làm người ta dễ nghĩ rằng mình có quyền năng, là người có sức mạnh, là nhà báo đầy uy tín, là người của công chúng với hào quang có thể tác động và thay đổi… Khi người ta thiếu chuẩn mực về nghĩ suy, về hành vi dùng internet và truyền thông không cơ sở, người ta cảm thấy tự tin vì mọi hậu quả, mọi khó khăn đều có thể chẳng ảnh hưởng mình.
Bên cạnh đó, xã hội có nhiều biến động nhất định, bạo lực tinh thần đã và đang trở thành lựa chọn của con người, nhưng chính họ cũng không nhận thức một cách hiệu quả, sâu sắc.

PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng việc thẩm định thông tin là một kỹ năng quan trọng người dùng nên trang bị khi sử dụng mạng xã hội

Ảnh: FBNV

* Những tác động tiêu cực từ đám đông giận dữ trên mạng xã hội như thóa mạ, chỉ trích, sỉ nhục… có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý người bị hại?
- Đây là câu hỏi tôi cho rằng rất lý thú nhưng cần nhìn hai mặt của vấn đề. Thứ nhất, sự giận dữ trên mạng xã hội như thóa mạ, chỉ trích, sỉ nhục… ảnh hưởng rất khủng khiếp đến tâm lý người bị hại. Sự đe dọa tinh thần là sự tấn công làm cho chủ thể yếu sức nhanh chóng và sự tự vệ ngay trong nội lực làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi lắm... Sức mạnh của những lời chỉ trích hay sỉ nhục làm cho chủ thể cảm thấy mình chẳng ra gì, mình có tội, mình không nên tồn tại và những phản ứng về hành vi tâm lý nảy sinh: co mình, né tránh, trốn chạy hay thậm chí là tự hủy hoại bản thân mình và nặng nhất của hành vi này là tự tử.
Thứ hai, ở góc độ nào đó, cũng cần tôn trọng sức mạnh của đám đông. Bởi trong xã hội chuẩn mực hành vi đôi khi phụ thuộc về số đông nhất là khi đặt vào biên độ của vấn đề xã hội mở, xã hội công nghệ... Và khi con người tham gia xã hội này cần hiểu bản thân mình không thể thoát khỏi sự chi phối của các chuẩn mực này hay khung ảnh hưởng này... Sự giận dữ trên mạng xã hội như thóa mạ, chỉ trích, sỉ nhục… xét ở góc độ này có thể là sự phản hồi đồng ý hay không đồng ý, là sự phản hồi có chủ đích của đám đông... Không ít trường hợp một đám đông nhỏ đua theo ủng hộ một kiểu hành vi của thần tượng đã gặp phải một sức mạnh khác của đám đông khác để điều chỉnh và khẳng định một sự thật khác phù hợp hơn hay ít nhất ở chiều kích đối lập.

Tỉnh táo ngay và xác định chuỗi giá trị của mình

* Khi bị vu khống, nhục mạ trên mạng xã hội, người bị hại nên làm gì, thưa ông?
- Chúng ta cần bắt đầu việc trả lời cho tính chất của việc bị vu khống, nhục mạ trên mạng xã hội ở mức nào, cấp độ nào để có thể có hành vi ứng xử tương ứng. Im lặng để mọi việc trôi qua. Dùng kỹ thuật dìm tin để vấn đề mau chóng lắng xuống. Sử dụng cách thức truy tin để đối thoại. Xuất quân để thẳng thắn và trực chiến… Và cần có sự hỗ trợ về tinh thần và công nghệ cũng như có sự sát cánh của luật gia nếu cần thiết. Tất cả mỗi một lựa chọn đều có cái hay của nó và quan trọng nhất vẫn là tiềm lực, nhu cầu hay sự lựa chọn của mỗi chủ thể mà thôi.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, hành vi vu khống, nhục mạ có thể khiến người bị hại rơi vào trầm cảm hoặc nặng nhất là tự tử

Ảnh: FBNV

* Trường hợp rơi vào khủng hoảng từ những bình luận độc hại, chúng ta nên làm gì để vượt qua?
- Mỗi con người có một thang giá trị và cần tỉnh táo chọn cho mình thang giá trị phù hợp. Nếu bản thân không thực sự phù hợp, cần hiểu rằng mạng xã hội hay thế giới ảo chỉ là nơi dạo chơi, không phải là không gian sống của bản thân, không phải là cuộc đời - nghề nghiệp và thang giá trị để mình là ai, mình sẽ có gì hay hạnh phúc ra sao.... Điều này cho thấy cần biết bảo vệ chính mình, phòng tránh những tác động tiêu cực không đáng có.
Nếu không may rơi vào khủng hoảng từ những bình luận độc hại, chúng ta cần tỉnh táo ngay lập tức xác định chuỗi giá trị của mình và đừng để các tác động ấy làm chủ chính bản thân mình.
Kinh nghiệm cho thấy một số người nổi tiếng bị quay lưng, bị công kích sẽ cảm thấy mất tất cả nên đã quyết định kết thúc cuộc sống mình. Điều này sự bế tắt trong hành vi ứng xử bởi hình ảnh trên thế giới ảo là tất cả.
Việc đối đầu cần thực hiện nhanh chóng theo nguyên tắc: Đối đầu sớm trong trứng nước khi vấn đề bắt đầu chớm xuất hiện. Nếu không thể ngăn chặn thì đành dùng cách thức: tát nước theo mưa, xuôi chiều theo gió... Và ngay sau đó, cần điều chỉnh hành vi lên mạng, tương tác, tiếp nhận để tỉnh táo lựa chọn cách ứng xử tiếp theo. Một trong những hành động quan trọng đó là cần thể hiện sự cầu thị hay phản ứng nghiêm túc nếu đầy đủ các cơ sở để phản công ngược...
* Xin cảm ơn PGS-TS Huỳnh Văn Sơn đã dành thời gian chia sẻ!
Ngày 22.10, báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội với sự tham dự của ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM; TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia và diễn giả kinh tế; đạo điễn Lê Hoàng; hoa hậu Diễm Hương; luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM; ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh; thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng Bộ môn Báo chí, khoa Báo chí, Đại học KHXH-NV TP.HCM; ông Trịnh Đình Khánh, Giám đốc điều hành Suzu Group; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo, diễn giả Đỗ Hùng... Chương trình còn có sự tham gia của hơn 200 khách mời và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí T.Ư và TP.HCM.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm nhận diện động cơ tiêu biểu của hành vi vu khống, trục lợi của một số người dùng trên mạng xã hội; cảnh tỉnh vấn nạn tin giả; thảo luận giải pháp bảo vệ bản thân khi dùng mạng xã hội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.