Văn học Bình Định - Dấu ấn dòng chảy 10 năm (2011-2021)

04/06/2022 17:14 GMT+7

Hiếm có địa phương nào trên đất nước ta lại có một truyền thống và bề dày lịch sử văn học dồi dào như ở Bình Định. Điều đó được khẳng định khi ở đâu trên đất nước ta cũng vang danh những nhà văn người Bình Định sống và viết như những cây bút chuyên nghiệp.

Từ hàng chục năm trước đó và trong 10 năm trở lại đây (2011 - 2021), Bình Định có một lực lượng sáng tác văn học hùng hậu với những tên tuổi đã được khẳng định như: Lệ Thu, Bùi Thị Xuân Mai, Lê Văn Ngăn (đã qua đời), Nguyễn Văn Chương (đã qua đời), Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Văn Trọng Hùng, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Quang Lộc, Phạm Ánh, Triều La Vỹ... Những tên tuổi ấy đã kế thừa một cách xứng đáng những nhà thơ, nhà văn Bình Định tiền bối nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, Xuân Diệu, Nguyễn Diêu, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Nguyễn Văn Bổng… Sự kế thừa đó cho thấy truyền thống văn học Bình Định luôn có những đóng góp tích cực, liên tục như một dòng chảy không ngừng nghỉ với những dấu ấn mạnh mẽ cho nền văn học đất nước.

5 ấn phẩm lớn đã xuất bản trong các năm từ 2019 - 2022 của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định

HTS

Độc giả Bình Định và cả nước trong những năm gần đây đã rất lấy làm ngạc nhiên và thích thú khi chỉ trong vòng hơn 3 năm từ 2019 đến nửa đầu năm 2022 chứng kiến sự ra đời của những công trình xuất bản đồ sộ được thực hiện bởi Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định như: 10 năm văn xuôi Bình Định (2009 - 2019) NXB Hội Nhà văn 2019; Nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định (2011 - 2020) NXB Văn hóa - Văn nghệ 2020; Văn hóa dân gian Bình Định (2010 - 2020) NXB Văn hóa - Văn nghệ 2020; Tuyển tập thơ Bình Định (2011 - 2021) NXB Hội Nhà văn 2021, và mới đây nhất là cuốn Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 - 2021) NXB Hội Nhà văn 2022.

Những nữ sĩ của 3 thế hệ

Trong tổng thể bức tranh văn học 10 năm qua của Bình Định, nhìn vào đâu cũng có sự lấp lánh để tự hào. Hãy bắt đầu từ nữ thi sĩ Lệ Thu, người được xem là lá cờ đầu của thơ ca đương đại Bình Định. Với hơn 40 năm sáng tác, Lệ Thu đã cho ra đời 14 tập thơ. Tập thơ xuất bản gần đây nhất của chị là Khói mỏng nhẹ bay (NXB Hội Nhà văn, 2020) mang đậm chất triết lý cuộc đời. Thơ Lệ Thu toát lên sự an nhiên trước mọi biến thiên của cuộc sống dù thời son trẻ chị đã sống một cuộc đời sôi nổi: Thế hệ tôi lớp lớp lại lên đường/ Mang nặng nỗi đời thay "ba lô con cóc"/ Thôi đã hết một đời mơ-cười-khóc/ Xin trở về thanh thản với ngàn mây! (Với bạn bè tôi). Đã ở vào tuổi 80, sâu thẳm trong tâm hồn Lệ Thu vẫn là một nữ sĩ, một người đàn bà làm thơ luôn dấn thân vì cuộc sống.

Một nữ nhà thơ khác của Bình Định nổi tiếng với những vần thơ đầy nữ tính, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai. Chị đã đứng tên cho 7 tập thơ, trong đó Mùa đông thương nhớ (NXB Hội Nhà văn, 2020) là tập thơ gần nhất của chị. Với lối viết dung dị, thơ Bùi Thị Xuân Mai đi vào lòng người một cách đằm thắm và gần gũi: Ru cho hạt thóc nẩy mầm/ Niềm vui về bến lặng thầm tin yêu/ Ru từng ngọn khói liêu xiêu/ Bay thơm mái rạ những chiều cơm lam/ Lời ru tựa cửa thời gian/ Quạt hồng bếp lửa nồng nàn đêm sâu (Lời ru bếp lửa). Đó chính là vẻ đẹp nữ tính được toát lên từ thơ chị.

Trần Thị Huyền Trang là một cây bút nữ khác của Bình Định được bạn đọc cả nước biết tiếng. Chị đã xuất bản 3 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và nhiều sách biên khảo về đất nước và con người Bình Định. Thơ Trần Thị Huyền Trang thể hiện lối tư duy sắc sảo, cách nhìn đời như một sự chiêm nghiệm, mang tính chiêm nghiệm nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của lòng nhân ái. Hãy nghe chị nói với con ngày con thi vào đại học mang nỗi lòng của một người mẹ bao dung: Dẫu có lúc mẹ mong con biết thích nghi/ Giữa cuộc người quá nhiều mánh lới/ Sự trung thực của con vẫn là thứ ánh sáng mẹ tôn thờ/ Thứ ánh sáng để hoa nói bằng hương để hương bay bằng gió... (Ánh sáng tặng Lộc).

Lệ Thu, Bùi Thị Xuân Mai, Trần Thị Huyền Trang là 3 nữ sĩ mà độ tuổi thuộc về 3 thế hệ khác nhau và họ đã tạo nên một sự kế thừa cần thiết cho sự phát triển của thơ ca Bình Định.

Những cây đa tỏa bóng văn chương

Nói đến văn học Bình Định, không thể không nhắc đến những tên tuổi như Lê Văn Ngăn, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Văn Chương, Văn Trọng Hùng, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Quang Lộc, Phạm Ánh, Triều La Vỹ. Họ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và trong phạm vi của giới văn học Bình Định, họ đã trở thành những cây đa cây đề có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.

Với sự tiên phong của nhiều thế hệ đàn anh, văn học Bình Định 10 năm qua đã phát triển như một khu vườn tươi xanh và nhiều sắc màu. Không chỉ thơ, văn mà cả phê bình văn học và kịch bản sân khấu cũng đạt được những thành tự đáng kể. Trong đó Lê Hoài Lương, người đã có 6 tác phẩm được xuất bản, một cây bút viết truyện ngắn và phê bình văn học sắc bén rất xứng đáng để nhắc đến. Phê bình văn học của Lê Hoài Lương thấu đáo đến từng chân tơ kẽ tóc, không chỉ nói đúng mà còn nói trúng vấn đề khiến cho tác giả có tác phẩm được phê bình tâm phục khẩu phục.

Ở mảng kịch bản sân khấu không thể không nhắc đến Văn Trọng Hùng, một kịch tác gia xuất sắc của sân khấu tuồng và dân ca kịch Bình Định. Trong 7 tác phẩm đã được xuất bản của Văn Trọng Hùng dù có đến 5 tập thơ nhưng đóng góp đáng kể của anh lại nằm ở 2 tập kịch bản sân khấu Đi tìm chân chúa (NXB Sân khấu, 2004) và Khúc ca bi tráng (NXB Sân khấu, 2017). Ở Bình Định, Văn Trọng Hùng đã làm nên một khoảng trời của kịch bản sân khấu truyền thống. Những kịch bản sân khấu của anh đã góp phần làm nên những chương trình biểu diễn say đắm lòng người của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định.

Lực lượng kế tục hùng hậu

Nói đến sự phát triển của một vùng văn học là phải nói đến sự kế tục giữa các thế hệ nhà văn. Ngoài những tên tuổi đã kể trên, văn học Bình Định còn được nuôi dưỡng và hun đúc bởi một thế hệ cầm bút sung sức và tiềm tàng nhiều tài năng, khát vọng. Trên các mặt báo, tạp chí văn nghệ và trên các ấn phẩm đã xuất bản, rất nhiều tên tuổi của giới văn chương Bình Định đã thành danh như Nguyễn An Pha, Trần Quang Khanh, Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký, Lê Từ Hiển, Trần Hà Nam, Mai Linh Giang, Trần Văn Bạn, Phạm Thành Trai, Đào Quý Thạnh, Đào Thị Quý Thanh, Trần Như Luận, Võ Ngọc Thọ, Khổng Vĩnh Nguyên, Trần Viết Dũng, Ninh Giang Thu Cúc, Phạm Văn Phương, Nguyễn Như Tuấn, Lê Đình Danh, Lê Bá Duy, Nguyễn Thanh Xuân, Đặng Quốc Khánh, Phan Văn Thuần, Quốc Thành, Trần Duy Đức, Nguyễn Thị Phụng, Đào Duy Anh, Phạm Hữu Hoàng, Ngô Văn Cư, Nguyễn Huy, Trần Hoa Khá, Trần Minh Nguyệt, Đào Viết Bửu, Hồ Thế Phất, Phạm Vân Hiền... Họ đã làm nên một dòng chảy không ngừng nghỉ của văn học Bình Định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.