Vấn nạn hát karaoke loa kẹo kéo: Có quy định nhưng khó xử phạt

Đình Tuyển
Đình Tuyển
16/08/2020 20:10 GMT+7

Từ vụ “Hậu Giang: Rút súng bắn hàng xóm vì cho rằng hát karaoke loa kẹo kéo quá lớn”, dư luận lại dấy lên ý kiến cần “mạnh tay” với vấn nạn hát karaoke loa kẹo kéo gây ô nhiễm tiếng ồn.

Ám ảnh vấn nạn karaoke loa kẹo kéo

Từ vụ “Hậu Giang: Rút súng bắn hàng xóm vì cho rằng hát karaoke loa kẹo kéo quá lớn” xảy ra ở xã Vị Thủy H.Vị Thủy, Hậu Giang, dư luận đang dấy lên ý kiến về việc xử lý vấn nạn hát karaoke loa kẹo kéo.
Bản tin của Thanh Niên về vụ việc công an bắt giữ một người có hành động bạo lực dùng súng bắn hàng xóm vì mâu thuẫn từ tiếng hát loa kẹo kéo. Song trong hàng trăm bình luận của bạn đọc báo Thanh Niên hầu hết là lên án tình trạng hát karaoke loa kẹo kéo ảnh hưởng đến cộng đồng. Rất nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng phải “mạnh tay” với vấn nạn hát hò kiểu tra tấn, gây ô nhiễm tiếng ồn.
Bạn đọc Lê Hoài Nam đề nghị, “Nên cấm karaoke loa kẹo kéo trong khu dân cư, hoặc ai có nhu cầu giải trí phải có phòng cách âm và đăng ký. Chính quyền cần phải có quy định xử phạt cụ thể sớm hơn”.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Van Nguyen cho rằng: “Hát hò gì cũng được nhưng không được làm ảnh hưởng người khác, hát nhạc to phải có phòng cách âm. Trong thực tế, nhiều nhà mở loa hết cỡ và mở toang cửa khiến hàng xóm nhức đầu, khi bị nhắc có khi họ càng mở to hơn. Chỉ có cách là phải có chế tài xử phạt nặng”.
Từ vụ việc đáng tiếc ở Hậu Giang, bạn đọc Dang Xuan Dien, đề nghị “Cảnh sát khu vực nên cương quyết với tệ nạn này cho dân nhờ, tránh được những trường hợp đáng tiếc mà dân tự xử lý với nhau”. Cũng bày tỏ lo ngại chuyện dân “tự xử”, bạn đọc Minh Châu Trương cho rằng: “Nếu không có quy định chế tài loại hình karaoke loa kẹo kéo này thì sẽ còn thêm nhiều vụ án xảy ra. Bởi tiếng ồn là một loại ô nhiễm môi trường khủng khiếp và gây kích động thần kinh của người nghe, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường”. Bạn đọc Ly Le thì bày tỏ “Người hát karaoke âm lượng lớn làm ảnh hưởng người khác là quá sai nhưng người lấy cái sai là dùng súng bắn để điều chỉnh người khác sai là càng sai”.

Có nhiều vụ việc chỉ vì sử dụng loa hát karaoke kẹo kéo gây tiếng ồn đã dẫn đến mâu thuẫn, xô xát và gây hậu quả rất đáng tiếc

Ảnh Đình Tuyển

Bạn đọc Nguyễn Thành Lâm nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác: “Một sản phẩm âm thanh tạo ra để giúp mọi người, mọi nhà giải trí, nó không có lỗi. Lỗi là do người sử dụng nó ý thức quá kém để xảy ra những điều đáng tiếc. Hãy nhìn nhận khách quan, những lợi ích tốt đẹp từ chiếc loa kéo như trợ giảng, cổ vũ hoạt động ngoài trời, văn nghệ… Không nên tẩy chay. Vấn đề là người sử dụng loa kéo hãy ý thức mở âm lượng vừa phải không vượt quá mức cho phép...”.

Đã có quy định nhưng xử phạt khó

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng công an H.Vị Thủy, Hậu Giang, nơi xảy ra vụ “Rút súng bắn hàng xóm vì cho rằng hát karaoke loa kẹo kéo quá lớn”, cho biết karaoke loa kẹo kéo thực sự đang là một vấn nạn. Người dân phản ánh nhiều, hầu như trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đều nói tới. “Tôi trực tiếp giải thích với bà con nhưng cũng chủ yếu dừng ở mức tuyên truyền, nâng cao ý thức. Còn việc xử phạt hiện gặp rất nhiều khó khăn, bất cập”, đại tá Minh nói và cho biết, hiện nay, Nghị định quy định mức xử phạt về ô nhiễm môi trường tiếng ồn phải dựa vào mức độ ồn đo được.
Nhiều người dân gọi lên công an, chính quyền địa phương báo có vụ việc hát hò gây ồn, địa phương sẽ phải thành lập một đoàn đi kiểm tra. “Nhưng không phải nơi nào cũng trang bị được máy đo tiếng ồn. Nhiều khi đêm hôm để thành lập đoàn kiểm tra xong chạy xuống thì người dân đã ngưng ca hát rồi. Lúc này đâu xử lý được. Nếu mở loa hết công suất lên để đo cũng không được vì người dân có thể sẽ cự là hồi nãy họ mở nhỏ thì sao. Những lúc như thế đoàn kiểm tra cũng chỉ có thể đến nhắc nhở bà con có ý thức không gây ảnh hưởng đến xung quanh”, đại tá Minh nói thêm.

Những quy định về xử phạt đối với hát hò gây tiếng ồn hiện còn chưa sát với thực tế

Ảnh: Đình Tuyển

Tương tự, khi áp dụng quy định xử phạt theo quy định về an ninh trật tự mặc dù sau 22 giờ trở đi là có thể phạt, nhưng khi thành lập được đoàn kiểm tra xuống hiện trường thì phần lớn người dân dân đã ngưng hoạt động.
Cũng theo lãnh đạo Công an H.Vị Thuỷ, người dân gọi lên công an phản ánh hầu hết là với những trường hợp quá thiếu ý thức, nhậu nhẹt, càn quấy. Từ đó dẫn đến những vụ việc mâu thuẫn, xô xát… “Thực sự, lực lượng công an rất mong sớm có những quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế hơn để xử lý, giải quyết vấn nạn karaoke loa kẹo kéo gây ồn cho cộng đồng. Qua đó tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra”, đại tá Minh bày tỏ.

Cần linh động xử lý 

Tuy nhiên, theo luật sư Trần  Nguyễn Duy Thăng, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ, pháp luật đã có những quy định cụ thể nhằm chế tài đối với hành vi này, cụ thể: theo Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 600.000 đồng).
Nếu hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 Decibel (dBA) trở lên sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Cụ thể: Tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA, bị phạt tiền từ từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).
Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng). Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên, bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).
 “Thực tế hiện nay, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh, cơ quan chức năng cần thời gian để xem xét, xác thực rồi mới tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Phải dựa vào các chứng cứ, kết quả đo độ ồn ở hiện trường và thời gian tổ chức hát karaoke… Nói chung rất rườm rà, khi lực lượng chức năng xuống tới hiện trường thì việc gây ra tiếng ồn đã chấm dứt, khó có thể xử phạt kịp thời được”, luật sư Thăng nói và cho rằng, cần áp dụng những căn cứ cụ thể như là quay clip lại, trích xuất video clip để xác định khoảng thời gian gây ồn ào (trong trường hợp sau 22 giờ) để xử lý dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể sử dụng những phần mềm đo độ ồn cho các thiết bị smartphone như: Sound Meter, máy đo âm thanh, Decibel và tiếng ồn... để xử lý những trường hợp sử dụng loa kẹo kéo hát hò làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.