Xe cộ đi lại thưa thớt, đường phố vắng vẻ, quán xá đóng nhiều hơn mở cửa, đường sá tại TP.HCM sáng 30.4 không khác những ngày Tết Nguyên đán, người đi chỉ khoảng 30% so với ngày thường.
Không khẩu trang, taxi từ chối
Đường phố thông thoáng, xe ít, nhưng để gọi được một chiếc xe qua dịch vụ công nghệ (Grab, Be…) đi vào khu vực trung tâm thành phố, khách phải chờ hơn 20 phút do đặt xe liên tục bị hủy, tổng đài báo không có xe. Trong vòng 5 phút, giá cước xe thay đổi 3 lần, từ 91.000 đồng lên 112.000 đồng rồi lên 144.000 đồng. Có xe rồi cũng phải chờ 7 phút do xe cách chỗ đón khách hơn 2 km.
Trước khi khách bước lên xe, anh Nguyễn P.D.Phương, lái xe GrabCar tại TP.HCM, mang chiếc khẩu trang y tế màu xanh vào. Khách vừa vào xe, bác tài lại chỉ chai nước rửa tay, nhắc khách khử khuẩn tay. Anh Phương nói với khách mà như tự nói chính mình: “Lại kích hoạt tối đa 5K (khẩu trang - kháng khuẩn - không tụ tập - khoảng cách - khai báo y tế) thôi, không tự bảo vệ mình thì có “ông trời” cũng không bảo vệ nổi. Ngó qua dân Ấn Độ mà xem kìa, xem thường Covid-19 và cái kết không ai mong muốn. U ám và lo lắng”.
Hỏi khách đi xe dịch vụ nhiều không, sao đặt xe khó khăn quá, anh Phương nói: Tài xế lấy xe chở gia đình đi chơi hết rồi, người đi về quê đông lắm, người có xe hay không xe vẫn lao về quê, đi chơi. Cao tốc kẹt liên tục từ ngày 29.4, đường về miền Tây, miền Đông đều kẹt. Số ở lại thì ngại Covid-19 cũng không ra đường. Nên đường phố cứ “vắng như chùa Bà Đanh” vậy thôi. Sài Gòn trước ngày hôm qua còn thong dong, người dân đi lại, ăn uống vô tư, nhưng từ tối qua giờ thấy căng thẳng rồi đó. Không dám ra đường, đi đến chỗ đông người nữa rồi. Nói đoạn, anh Phương kể sáng 30.4, một người bạn lái xe công nghệ đã từ chối thẳng một khách hàng đi từ Q.Tân Bình về Q.Gò Vấp chỉ vì không chịu mang khẩu trang.
“Quan trọng là thái độ của khách không cầu thị chuyện mang khẩu trang. Trong khi đó vừa là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của họ, nên buộc phải từ chối thôi”, anh nói. Khác với thái độ chấp hành nghiêm túc của tài xế và đa số người dân trong việc mang khẩu trang phòng chống dịch Covid-19, trên đường phố và tại các điểm bán hàng, vẫn bắt gặp nhiều trường hợp không mang khẩu trang.
Các điểm ăn uống, giải khát vẫn lơ là
Trước khi có thông tin bệnh nhân nhiễm Covid-19 xuất hiện tại TP.HCM, trong 2 ngày 26 và 27.4, nhiều quận huyện của TP.HCM cũng triển khai việc kiểm tra đột xuất các điểm kinh doanh, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, không tụ tập đông người để phòng Covid-19.
Đặc biệt, tại các tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), khu vực nhà thờ Đức Bà, đường sách Nguyễn Văn Bình… lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp không đeo khẩu trang. Đại diện P.Bến Nghé (Q.1) cho hay, tinh thần chung vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần mới phạt. Còn tại P.17, Q.Phú Nhuận, lực lượng chức năng đã lập biên bản phạt cơ sở kinh doanh do có 4 người gồm nhân viên và khách không mang khẩu trang.
Tuy nhiên, việc xử phạt này cũng chỉ là vài ba trường hợp “điểm”, mang tính răn đe nhiều hơn. Bởi những điểm đông người như tại các quán ăn, spa, tiệm gội đầu uốn tóc… việc đòi hỏi chấp hành đeo khẩu trang 100% là điều khó thực hiện, quan trọng là ý thức của mỗi người, hoặc… chỉ có đóng cửa nghỉ đón khách.
|
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), bên trong bệnh viện luôn đông người và việc kiểm tra khẩu trang, khai báo y tế được triển khai hết sức chặt chẽ và bệnh viện có cả đội ngũ để thực hiện việc kiểm tra và hướng dẫn người đến khám bệnh khai báo y tế ngay từ cổng vào.
Thế nhưng, ngay bên ngoài bệnh viện này, dọc lề đường “ken đặc” những mẹt, thúng bán đồ ăn sáng, nước giải khát. Mỗi buổi sáng, người ngồi ăn, ngồi hút thuốc, cà phê chờ khám bệnh, người nuôi bệnh tập trung đông tại đây. Ăn uống, nói chuyện, mua bán… đều kéo khẩu trang xuống. Bên hông bệnh viện này cũng có dãy quán cà phê, bán đồ ăn sáng luôn đông người vào ra mua bán, ăn uống.
Theo một phụ nữ bán cà phê tại đây, người chăm bệnh thường ra quán uống cà phê, nếu phạt họ không đeo khẩu trang khi ngồi uống thì có phạt cả ngày không xuể. “Dịch bệnh giờ chỉ có kêu gọi ý thức của cá nhân, khác với năm ngoái lúc bùng phát dịch là đóng cửa, không kinh doanh. Năm nay cho kinh doanh nhưng ý thức người dân đòi hỏi cao hơn nhiều”, người phụ nữ bán hàng nói.
Tương tự, tại quán cà phê 30.4 Dinh Thống Nhất, lúc 10 giờ sáng 30.4, khi các quán xá đóng cửa và vắng khách hẳn thì tại đây, người lớn, trẻ em tập trung đông nghẹt. Anh Nguyễn Hải (ngụ Q.4, TP.HCM) có hẹn bạn từ ngoài Nha Trang vào, ngồi cà phê tại đây cho biết: “Tâm lý người dân thành phố là đang chấp nhận “sống chung với dịch”, ăn uống đầy đủ chất để tăng đề kháng. Khẩu trang đeo thường xuyên nhưng vào quán thế này chỉ mang tính tương đối. Mình ngồi tại quán với tâm lý là những người có vô tình nhiễm dịch cũng đã được cách ly hoặc chính bản thân họ đã tự cách ly rồi. Nói vậy nghe không ổn, nhưng thực tâm là có suy nghĩ vậy mới ra ngồi đây”.
Tiếp tục đồng lòng chiến đấu
Câu nói trên được bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) kết luận trong bài viết trên Facebook của ông về các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng.
Trong tinh thần kêu gọi người dân địa phương phải cảnh giác tối đa nguồn Covid-19 được “nhập lậu” vào Việt Nam và “tá túc” tạm thời trong nhà trọ, khách sạn, bệnh viện… bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Phát hiện càng chậm là càng mệt” và khuyên người dân không nên “ào ào” đến thăm người thân, bạn bè sau khi họ ra khỏi khu cách ly, cho dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính…
Thứ hai, vị bác sĩ này nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang đúng cách cực kỳ quan trọng khi tiếp xúc người lạ, và nhớ rửa tay thường xuyên. Ông nói: Bàn nhiều về biến thể chả làm gì được, biến thể đi khắp nhân gian, nó chỉ đến sớm hay muộn mà thôi và việc này là của các nhà dịch tễ. Nhiệm vụ của chúng ta là áp dụng triệt để 5K. Nói chung là tiếp tục đồng lòng chiến đấu.
Sau loạt ca nhiễm mới lây từ cộng đồng được phát hiện tại một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó có tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ và nhiều địa phương đã đẩy mạnh chương trình phòng ngừa dịch Covid-19 quay trở lại. Đặc biệt, áp dụng giải pháp 5K, trong đó đeo khẩu trang là yếu tố bắt buộc khi đến đám đông.
Ngày 28.4, trong buổi họp giữa UBND TP.HCM với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong ngày 27.4, TP đã phạt người không đeo khẩu trang số tiền 12 triệu đồng. Với các hoạt động được phép thực hiện trong dịp lễ này, TP cũng đã bố trí bộ phận giám sát người tham gia lễ hội, bắt buộc thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và có nước sát khuẩn. Tại cuộc họp này, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh nguy cơ dịch xâm nhập là rất cao và nếu để xảy ra dịch, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. TP.HCM cũng là địa phương ra quyết định dừng bắn pháo hoa trong đại lễ 30.4 và 1.5 này. Tuy nhiên, để việc chống dịch có hiệu quả và đồng bộ hơn, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng quy định xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo Nghị định 117 ngày 28.9.2020 của Chính phủ là điều cần thiết. Cần làm mạnh việc này chứ tuyên truyền lâu nay đã đủ rồi.
|
Bình luận (0)