Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 1.2 đến nay, chỉ sau hơn 4 tháng, dịch bệnh nguy hiểm này đã lan ra 34 tỉnh, thành, buộc các địa phương tiêu hủy trên 1,5 triệu con lợn. Nước mắt người chăn nuôi lại lăn theo xác lợn khi tiền của, bao mồ hôi công sức bỗng chốc trở thành con số không, nhiều gia đình trở nên khánh kiệt...
Điều đáng nói, T.Ư rất quyết liệt triển khai dập dịch với việc ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống bệnh. Chính phủ, Bộ NN-PTNT tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quán triệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, trong đó có 2 hội nghị trực tuyến với các địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
tin liên quan
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Khánh HòaTuy nhiên, dịch bệnh vẫn “đâm thủng” hệ thống phòng ngự của chúng ta.
Ngoài những lý do rất cũ và... đúng, như: đường lây truyền của vi rút phức tạp, lực lượng thú y mỏng..., Bộ NN-PTNT cũng đã “vạch mặt” những thủ phạm khiến dịch lây lan, có nơi có dấu hiệu “vỡ trận”, gồm: một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh. Có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, dẫn đến người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm bệnh...
Trên thực tế, công tác giết mổ, kiểm soát vận chuyển, buôn bán cũng để lộ những sơ hở chết người mà vụ việc cấp đông 4 tấn thịt lợn dương tính với vi rút tả lợn châu Phi xảy ra ở Đồng Nai là ví dụ. Đáng chú ý, đến nay nhiều địa phương chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn buộc tiêu hủy. Điều này dẫn đến hệ lụy nguy hiểm là người chăn nuôi bán chạy lợn bệnh khiến dịch lây lan.
Trên nóng, dưới chưa nóng. Các “bài” chống dịch chưa thấm sâu vào thực tiễn. Các cấp cơ sở không thực sự quyết liệt thì dịch bệnh vẫn có đường sống. Mà dịch sống thì người chăn nuôi “chết”. Nước mắt nông dân sẽ còn lăn theo xác lợn, số lợn bị tiêu hủy sẽ không dừng lại ở mức trên 5% tổng đàn lợn của cả nước như hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm khi thịt lợn vẫn chiếm khoảng 70% trong “rổ” thực phẩm tiêu dùng hằng ngày, nếu những “tử huyệt” trên không sớm được khắc phục triệt để.
Bình luận (0)