Vẫn vướng điểm tắc mặt bằng

22/03/2022 07:18 GMT+7

Khoảng 80% dự án giao thông trễ tiến độ tại TP.HCM hiện nay đều do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) - thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM.

Thiếu tiền đền bù nên phải chờ mặt bằng, dự án trễ hẹn, mà càng trễ, chi phí mặt bằng lại càng đội lên cao. Cứ như thế, hàng chục dự án trọng điểm, xương sống của TP lần lượt dàn hàng chờ gỡ khó năm này qua tháng nọ rồi “tắc” luôn trong bài toán nguồn vốn.

Điển hình phải kể tới dự án mở rộng QL13 được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí GPMB chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng.

Một hộ dân ở xã Kỳ Hoa (TX.Kỳ Anh) trồng cây và xây dựng chuồng chăn nuôi trong phạm vi dự án đường cao tốc

Phạm Đức

Sau 18 năm “cấp bách trên giấy”, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí GPMB đội lên 8.176 tỉ đồng. Hai dự án xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) với tổng mức đầu tư hơn 742 tỉ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng cũng đã được triển khai cách đây 15 năm với tổng mức đầu tư ban đầu cho cả 2 dự án khoảng gần 600 tỉ đồng, chỉ gần bằng 1/5 so với hiện nay…

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng lâu nay việc đền bù GPMB đối với các dự án giao thông tại TP luôn gặp khó khăn là do pháp lý chưa thật rõ ràng. Quan điểm giữa người dân và nhà nước còn khác nhau. Nếu muốn giải quyết triệt để nút thắt GPMB, cần thay đổi chính sách định giá đất thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể và chế tài tới lãnh đạo từng quận, huyện trong trường hợp chậm trễ.

Trước khi có những bất đồng về giá, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, đánh giá công tác dự báo để xây dựng tầm nhìn quy hoạch đối với các dự án giao thông hiện cũng còn nhiều vấn đề. Đơn cử, 1 tuyến cao tốc mang ý nghĩa huyết mạch như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) nhưng thiết kế giai đoạn 1 chỉ 4 làn xe, khiến tuyến đường nhanh chóng quá tải. Việc mở rộng cao tốc HLD từ 2 - 3 năm nay đã được đánh giá vô cùng cấp bách nhưng mãi chưa làm.

Trong khi các đơn vị còn bận tranh cãi quy mô giai đoạn 2 mở rộng lên 8 hay 12 làn xe thì dọc các tuyến đường phạm vi từ Đồng Nai đổ lại, nhiều khu đô thị mới đã “kịp” xây dựng. Các nhà đầu tư thi nhau đổ về đây khiến giá đất khu vực này tăng phi mã, chi phí giải phóng mặt bằng tiếp tục thành bài toán rất lớn.

“Làm đường, mở rộng đường sá, đặc biệt là đường cao tốc thì không phải chỉ GPMB, lấy đất xây đường mà còn cần dành đất làm thêm các đường song hành để hạn chế điểm đấu nối. Bên cạnh đó còn phải xác định có cả quỹ đất đầu tư, thậm chí có khi phải giải phóng toàn vùng để phát triển đô thị, tạo ra giá trị thặng dư, tái đầu tư cho hạ tầng. Vì thế, công tác dự báo và quy hoạch sớm rất quan trọng, giúp nhà nước xác định sớm vùng ranh đất cần giải phóng để tính toán được mức chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sớm”, ông Tuấn nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.