TP.HCM có khoảng 10.000 xe máy vi phạm luật giao thông đường bộ đang bị CSGT tạm giữ, thế nhưng thật bất ngờ tại trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm chỉ có 2 tàu và 2 sà lan.
Trong khi các kho lưu giữ xe vi phạm luật giao thông của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) đang chật kín không còn chỗ để với khoảng 10.000 xe vi phạm thì trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm lại chỉ có 4 phương tiện đang bị tạm giữ.
VIDEO: Nơi lưu giữ những phương tiện vi phạm đường thủy - Thực hiện: Vũ Phượng
** Không có việc tráo đổi phụ tùng tại bãi giữ xe vi phạm
TP.HCM hiện có khoảng 10.000 xe máy vi phạm luật giao thông quá thời gian giải quyết nhưng không có người đến nhận. Tất cả số xe trên sẽ được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt bàn giao Sở tài chính để bán 'sắt vụn'.
Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm tại khu vực Kênh Ngang số 1, P.12, Q.8 là nơi tiếp nhận và trao trả các phương tiện thủy vi phạm do các cơ quan chức năng chuyển đến. Ảnh: Vũ Phượng
Các phương tiện thủy vi phạm được đơn vị tiếp nhận lưu giữ và trao trả theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, chủ yếu mắc các lỗi có liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy (phương tiện gây sự cố hoặc tai nạn giao thông đường thủy). Ảnh: Vũ Phượng
Trạm hiện đang tạm giữ 4 phương tiện thủy vi phạm gồm: 2 tàu công suất 250 và 350 CV cùng 2 sà lan tải trọng 530 tấn và trên 1.000 tấn Ảnh: Vũ Phượng
12 cán bộ của trạm trực 24/24 thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và thường xuyên kiểm tra hệ thống phương tiện, trang thiết bị cũng như dây neo để cố định phương tiện. Theo quy định mới của Luật phí và lệ phí, những người có phương tiện bị các lực lượng này tạm giữ sẽ không phải đóng tiền trông coi hàng ngày. Điều này có nghĩa, Trạm đang trông coi miễn phí cho các phương tiện thủy vi phạm Ảnh: Vũ Phượng
Vì mỗi đầu máy trên tàu có giá trị khoảng vài trăm triệu đồng nên có chủ tàu ở luôn trên tàu trong bãi tạm giữ để tự trông coi phương tiện của mình Ảnh: Vũ Phượng
Khu quản lý đường thủy nội địa, đơn vị quản lý trực tiếp Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm cho biết thời gian đơn vị tiếp nhận đến khi trao trả phương tiện thủy vi phạm kéo dài khoảng từ 7 đến 30 ngày. Từ năm 2007 đến nay, toàn TP chỉ có 40 phương tiện thủy vi phạm bị tịch thu do chủ phương tiện bỏ luôn hoặc không đủ giấy tờ nhận lại nên đơn vị đã trao trả cho cơ quan có thẩm quyền để bàn giao Sở tài chính bán đấu giá, thanh lý. Ảnh: Vũ Phượng
Để phòng chống cháy nổ, các tàu khi bị tạm giữ đều được cán bộ yêu cầu bổ sung bình chữa cháy ở trên tàu. Ảnh: Vũ Phượng
Theo ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa, từ đầu năm 2007 đến nay, toàn TP đã ra quyết định tịch thu 40 phương tiện thủy vi phạm do chủ phương tiện không có đủ giấy tờ để nhận lại hoặc do chính chủ phương tiện "bỏ luôn". Một cán bộ của Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm cũng cho hay, trung bình một năm, trạm chỉ tiếp nhận và trao trả khoảng 30 phương tiện, một phần vì để kéo 1 phương tiện vi phạm về phải dùng 1 phương tiện khác, 1 phần vì bãi cũng chỉ giữ được tối đa 30 phương tiện và con đường về trạm phải đi qua gầm cầu Nhị Thiên Đường Ảnh: Vũ Phượng
Trước đó, chúng tôi cũng ghi nhận tại trạm CS đường thủy Cát Lái đang có khoảng 5 ghe, tàu vi phạm không có người đến nhận. Trong đó chủ yếu là ghe của trộm tại cảng và ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai Ảnh: Vũ Phượng
"Những xe chở đá bị gỉ sét thì bán sắt vụn là đúng, còn những xe vẫn đang chạy tốt sao không bán đấu giá mà lại đưa hết vào bán sắt vụn, mắc cười quá”, TS Lê Thẩm Dương bày tỏ.
Theo một cán bộ CS đường thủy Cát Lái, đầu máy tàu, ghe có giá dao động từ vài chục triệu đến 1 tỷ đồng. Một số đầu máy chủ phương tiện không cung cấp đủ giấy tờ để nhận lại nên để cỏ mọc xanh, đến khi bàn giao Sở tài chính thanh lý, bán đấu giá thì chỉ còn là đống sắt vụn. Ảnh: Vũ Phượng
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2, thuộc Phòng CS đường thủy (PC68, Công an TP.HCM) cho biết CS đường thủy chỉ bắt quả tang hoặc lập biên bản sau đó sẽ bàn giao cho công an quận, huyện để đưa các phương tiện thủy vi phạm về trạm lưu giữ. Do vậy, nhiệm vụ thanh lý các phương tiện thủy vi phạm không người nhận không thuộc thẩm quyền của CS đường thủy.
Khi nào phương tiện thủy vi phạm sẽ bị tịch thu?
Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68, Công an TP.HCM) cho biết theo quy định tại Khoản 4, Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ thì cơ quan chức năng sẽ thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, PC68 cũng cho biết trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Cảnh sát đường thủy thuộc PC68 đã ra quyết định xử phạt 97.135 trường hợp vi phạm, với số tiền là 15.388.825 đồng trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Các lỗi chủ yếu: chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, chở quá số người được phép chở của phương tiện (đối với phương tiện chở khách); về điều kiện hoạt động của phương tiện (đăng ký, đăng kiểm), trang bị không đủ số lượng trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện có bằng cấp không phù hợp với loại phương tiện mình điều khiển, vi phạm về tín hiệu neo đậu phương tiện.
Bình luận (0)