Vàng trắng cao su Việt trên đất Campuchia: Đi tìm ‘sedthei’ cao su

27/09/2024 08:00 GMT+7

Chuyện kể rằng trong các khu làng công nhân cao su Việt Nam ở tỉnh Kampong Thom có rất nhiều ‘sedthei’ (tiếng Khmer có nghĩa là đại gia) làm cao su. Thực hư thế nào? Chúng tôi đã đi tìm họ - những người bản địa Campuchia vốn xuất thân từ các bản làng heo hút trong rừng, nay đã thành triệu phú.

Mua nhà, mua xe hơi nhờ cây cao su

19 giờ, khu làng công nhân cao su của Công ty TNHH phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom ở xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom nhộn nhịp bữa cơm tối quây quần của các gia đình. Bên ngoài sân các ngôi nhà song lập của công nhân là đám trẻ đang chơi với những gian hàng trò chơi do chính người dân trong làng mở ra để kinh doanh.

Thấy người lạ, dù không hiểu tiếng Việt nhưng khi nghe tôi nói hai từ "cao su", chị Nuch - một người dân ở khu nhà ở song lập vui vẻ mời tôi món da bò chấm pro hok - mắm bồ hóc đặc trưng của người Khmer. Bữa cơm tối, nhiều gia đình bày những chiếc bàn ghế nhựa ra ngoài sân, mỗi người góp một món khiến bàn tiệc thêm xôm tụ.

Chị Nay - em gái của Nuch cũng vui vẻ mời tôi ở lại, ghé nhà ngồi chơi trên chiếc phản gỗ được gia đình mang từ vùng quê lên làng công nhân. Ở đây, các hộ gia đình thường có nhiều thế hệ ở chung với nhau. Chị Nay, Nuch đều có con đang làm ở Cao su Tân Biên - Kampong Thom (thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam - VRG), hai chị lên chức bà và đến ở cùng con, cháu, phụ giúp việc nhà để con đi làm.

10/ Món da bò chấm mắm pro hok đặc trưng của người Khmer

Món da bò chấm mắm pro hok đặc trưng của người Khmer

ẢNH: LÊ VÂN

Cuộc sống và kinh tế ổn định, không ít công nhân của các nông trường cao su tại Cao su Tân Biên - Kampong Thom được ví như các "sedthei" - đại gia vì đã mua được nhà riêng, xe hơi. Anh Chay Vy Chey, 37 tuổi, lái xe chở mủ cao su, hiện có nhà riêng ở ngoài vùng dự án nhưng gia đình anh vẫn ở khu công nhân để vợ buôn bán thêm. Không chỉ thế, anh Chay Vy Chey còn mua được xe ô tô.

Anh Chey phấn khởi: "Tôi vào làm công ty được 14 năm rồi, trước vợ cũng làm nhưng từ khi có con nhỏ thì vợ ở nhà buôn bán và chăm con. Nhờ vợ chồng tiết kiệm hằng năm nên mua được chiếc xe hơn một tháng nay với giá 7.800 USD. Tôi dùng xe để đưa gia đình đi về quê, đưa con đi học hay đi chợ… Những năm trước khổ dữ lắm, đâu dám mơ đến nhà, xe như bây giờ".

Hiện tại mức lương của anh Chey hơn 300 USD/tháng, vợ anh cũng buôn bán được khoảng 300 USD/tháng. Ba đứa con của anh đều học ở Trường tiểu học Tân Biên - Kampong Thom, bé lớn lên cấp 2 nên học ở tỉnh; ngoài giờ làm, anh Chey lái ô tô đưa đón con đi học. Mới năm trước, gia đình Chey cũng mua đất, xây được căn nhà trị giá hơn 70.000 USD ở.

Vợ anh Chey, chị Vau Srey Da, 38 tuổi, chia sẻ: "Mới lập gia đình, hai vợ chồng không có cái nồi nấu, cái chén ăn cơm. Khi vào công ty thì dần ổn định. Mình ở nhà buôn bán tạp hóa và nuôi con. Trước khi làm cao su thì chồng mình làm ruộng cho ông bà ngoại, ngoài mùa vụ thì vô rừng nhặt củi về bán".

Anh Chay Vy Chey và vợ con

Anh Chay Vy Chey và vợ con

ẢNH: LÊ VÂN

Góp phần giảm đói nghèo

Ông Lâm Thanh Phú, Giám đốc Cao su Tân Biên - Kampong Thom cho biết: "Những năm 2007 khi các cán bộ chủ chốt từ Việt Nam qua Campuchia đến đầu tư, như tất cả dự án, khó khăn ban đầu của chúng tôi là về vốn. Khi đổ vốn vào dự án mà chưa sinh lợi thì vốn hết, đặc biệt với ngành cao su, những năm đầu khai thác cho sản lượng thấp thì vốn hết. Nếu ở Việt Nam thì còn có khoản vay vốn ngắn hạn. Nhưng ở Campuchia, tình hình tín dụng không dễ dàng, nên chúng tôi có giai đoạn rất khó khăn khiến anh em có phần dao động. Nhưng rồi anh em phải vận động nhau vượt qua. Có lúc tiền lương anh em cán bộ người Việt phải nợ lại nhưng tiền công lao động trực tiếp ở nông trường là người bản địa thì luôn trả đủ. Rồi anh em phải làm xa nhà, điều kiện nơi ở thiếu thốn như điện phải chạy máy nổ…".

Anh Sor Dan Din và thành phẩm mủ cao su dùng làm săm lốp máy bay

Anh Sor Dan Din và thành phẩm mủ cao su dùng làm săm lốp máy bay

ẢNH: LÊ VÂN

"Cho đến giai đoạn này, chúng tôi phải trải qua hơn 10 năm khó khăn như thế. Lúc đầu anh em phải trú quân ở ngoài cách khu vực khai thác 20 km. Muốn đi thị trấn ra mua thực phẩm phải đi thêm 20 km nữa. Thời đó dù chỉ 40 km phải đi xe tải, xe máy cày do đường lầy lội… Những khó khăn đó với chúng tôi thật khó quên nhưng cũng là động lực để anh em có được thành công bước đầu như hôm nay", ông Phú chia sẻ thêm.

Theo ông Phú, hiện nay Cao su Tân Biên - Kampong Thom đang ở giai đoạn khai thác mủ ổn định. Mỗi năm công ty chuyển về VN hơn 100 tỉ đồng, dự kiến tới năm 2030 sẽ hoàn vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng ban đầu.

Một đóng góp không nhỏ cho sự thành công của Cao su Tân Biên - Kampong Thom là từ các nhân lực quản lý người bản địa. Anh Sor Dan Din, 44 tuổi, hiện là phó giám đốc công ty, đã gắn bó với dự án từ những năm đầu tiên. Trước khi về công ty, Din từng tốt nghiệp thạc sĩ, được phân công công tác tại UBND tỉnh Kampong Thom. Nhưng qua sự giới thiệu của bạn bè, Din đã chọn về công tác ở khu vực hẻo lánh, nơi mà anh và cộng sự phải vất vả đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án.

Bữa tối quây quần của bà con làng công nhân

Bữa tối quây quần của bà con làng công nhân

ẢNH: LÊ VÂN

Din chia sẻ: "Lúc đầu mới đến thấy buồn, mình muốn bỏ về nhưng rồi ở lại vì tình cảm với anh em ở đây. Mình nhìn thấy họ nỗ lực, từ VN qua không biết tiếng Campuchia, chưa kể không rành về phong tục tập quán, đồ ăn, điều kiện sinh hoạt… Nhưng rồi họ đều cố gắng trụ lại, mình cảm thấy cần giúp họ".

Hiện tại cả gia đình Din với 2 con đều ở nhà trong khu dự án cao su, các con anh đang học ở trường tiểu học của nông trường. "Dự án đầu tư giữa VN - Campuchia đã góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm đói nghèo, cải thiện đời sống bà con bản địa. Công ty cũng giúp phát triển xã hội trong vùng dự án và dân lân cận như xây dựng hệ thống giao thông. Lương công nhân nông trường cao hơn mặt bằng chung nên ai cũng phấn khởi", anh Din nói thêm. (còn tiếp)

Công ty TNHH phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom có diện tích vườn cây cao su khai thác hơn 7.243 ha, lao động 1.696 người, trong đó lao động người Campuchia 1.600 người. Thu nhập bình quân từ 7,8 - hơn 9 triệu đồng/người/tháng; năm 2023 công ty nộp ngân sách nhà nước gần 62 tỉ đồng. Năng suất kế hoạch 2 tấn/ha, đạt danh hiệu Câu lạc bộ 2 tấn của ngành cao su VN. Công ty thực hiện đầy đủ chính sách về bảo hiểm hưu trí mới của nhà nước Campuchia.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.