Vật liệu mới giúp bề mặt bồn cầu trơn láng, chất thải trôi dễ dàng

Khánh An
Khánh An
19/11/2019 11:43 GMT+7

Không còn phải cọ rửa vẫn sạch bóng, bồn cầu phủ vật liệu mới hứa hẹn giúp thế giới tiết kiệm hàng tỉ lít nước mỗi ngày.

Tờ The Guardian ngày 19.11 đưa tin các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) vừa phát minh ra vật liệu phủ bề mặt bồn cầu “siêu trơn trượt”, giúp tiết kiệm nước, giảm thời gian vệ sinh, ngăn ngừa mùi hôi và vi khuẩn tích tụ gây bệnh.
Lớp phủ bề mặt này còn trơn hơn vật liệu sử dụng cho chảo chống dính, giúp giảm tính bám dính của những chất thải “gan lì” nhất đến 90%.
“Tôi rất vui mừng khi thấy phân trôi dễ dàng như thế nào qua bề mặt được phủ vật liệu mới”, theo ông Hoàng Đắc Thăng tại Đại học bang Pennsylvania.
Chuyên gia này bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực bồn cầu vào năm 2015 khi các chuyên gia tại Đại học Cranfield hợp đồng với ông nhờ hỗ trợ thiết kế bồn cầu cho các nước đang phát triển. Khi đó, ông nhận thấy vấn đề cần giải quyết là chất thải tích tụ trên bề mặt bồn cầu làm mất vệ sinh và gây mùi hôi.

Phân giả được sử dụng để kiểm tra độ bám dính của bồn cầu

Ảnh chụp từ clip

Nhóm chuyên gia do ông Hoàng dẫn đầu mất vài năm mới phát triển được lớp phủ có tên là Less. Lớp phủ này gồm một lớp nền bám vào bồn cầu và có những “sợi lông nano” vươn ra, mỗi sợi mịn hơn tóc người khoảng 1 tỉ lần. Các sợi lông được phủ một lớp dầu silicon được giữ lại bởi lớp nền bên dưới.
Dùng “phân” tổng hợp gồm nhiều chất gây bám dính và thuốc nhuộm huỳnh quang, họ thử cho chúng rơi từ độ cao 40 cm xuống bề mặt nghiêng 45 độ. Sau đó, họ thử nghiệm xem cần bao nhiêu nước mới dội sạch những mảng màu bám lại.

[VIDEO] "Phủi tay" với máy tính, Bill Gates đi làm bồn cầu không tốn nước, không cống xả

Kết quả cho thấy bề mặt mới giảm đến 90% lượng nước cần thiết để dội so với bề mặt bằng kính. Sau đó, họ thử nghiệm với phân thật do 3 người vô danh hiến, rơi trên bề mặt làm bằng men, teflon, silicon và vật liệu mới, với kết quả vẫn tương tự.
Theo ông Hoàng, thế giới sử dụng hơn 141 tỉ lít nước sạch mỗi ngày để dội bồn cầu, tương đương gấp 6 lần lượng nước sách tiêu thụ hằng ngày ở châu Phi. Ông hy vọng phát minh mới giúp tiết kiệm nước đáng kể vì hàng triệu người trên thế giới đang thiếu nước sạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.