Chiều 12.12, TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn các bị hại còn lại trong 8 “dự án”/58 “dự án” được bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch H.ĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty CP địa ốc Alibaba - gọi tắt Công ty Alibaba) và đồng phạm vẽ ra, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 4.000 nhà đầu tư.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa |
NHẬT THỊNH |
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 nạn nhân, tương đương số tiền hơn 2.100 tỉ đồng bị chiếm đoạt. Quá trình xét xử, hàng trăm nhà đầu tư cũng đến phiên tòa, trình bày bản thân cũng tham gia mua “dự án” của Nguyễn Thái Luyện và được HĐXX đối chiếu tài liệu, chứng cứ và đưa vào danh sách người bị hại bổ sung.
Bà bầu vượt 200km đến dự tòa vụ Alibaba: ‘Chỉ mong lấy được tiền gốc’ |
Vay mượn 5,9 tỉ đồng để đầu tư vào 30 lô đất
Có khoảng 1.418 bị hại tại 8 dự án này. Tuy nhiên, số bị hại có mặt tại tòa rất ít, khoảng hơn 200 người. Các bị hại ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ngồi chờ tới lượt lên trình bày với HĐXX, chị H. (ngụ Q.5), cho hay chị vay mượn ngân hàng được 5,9 tỉ đồng mang đi mua 30 lô đất của Alibaba với hy vọng kiếm lời. Tuy nhiên, chị vừa trả tiền được 1 tháng thì Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị bắt.
Số tiền vay nợ dồn hết vào mua các dự án của Alibaba, không thể bán hay rút tiền về, chị đành bán nhà trả nợ. Tuy nhiên, nợ gốc cộng lãi đã tăng lên, số tiền bán nhà không thấm vào đâu. Hàng tháng, làm được đồng nào chị H. dồn trả nợ cũng không đủ, lại tiếp tục đi vay. Chán nản, hai vợ chồng ly thân, mấy mẹ con dắt díu nhau về ở nhờ nhà mẹ chị.
Người bị hại ngồi ngoài sân, theo dõi tên mình và các dự án liên quan để lên trình bày yêu cầu |
NHẬT THỊNH |
Ông Huỳnh Tiến S. (đại diện ủy quyền cho bị hại Thái Thu Th., TP Thủ Đức) cho biết bà Th. đã mua tổng cộng 16 lô đất thuộc 9 dự án của Alibaba.
Theo ông Sĩ, bà Th. từng là giáo viên, đi dạy học và quen biết 2 học trò bán dự án của Alibaba. Thông qua học trò, bà đã mua 16 lô đất nền với tổng số tiền là hơn 3,5 tỉ đồng.
"Bà Th. mua đất theo hình thức hợp đồng quyền chọn tức là mua không lấy đất mà chỉ mua để lấy lãi", ông S. kể và giải thích Alibaba đưa ra 2 phương án, một là lấy đất, 2 là được quyền chọn lãi suất chứ không nhận đất. Thời điểm này lãi suất Alibaba đưa ra là 12% cho 6 tháng hoặc 24% cho 12 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay bà Th. chưa nhận được bất kỳ quyền lợi nào trên các hợp đồng mình đã mua.
Đi lượm ve chai, bán hàng rong mưu sinh
Bị hại V.T.H (ngụ Thái Bình) cho biết đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua gần 8 - 9 nền đất tại “dự án” Phú Mỹ Center City và Tóc Tiên… Số tiền này gồm tiền do bà tích góp mấy chục năm, tiền em gái bị bệnh ung thư đã mất để lại cho bà; thêm bạn bè, gia đình để đầu tư “dự án” ở Công ty Alibaba. Hiện tại, bà đang đi bán rau, lượm ve chai để sinh sống. Bà H. nói cả đời bà đi ở trọ, làm thuê để tích góp mua đất, nên giờ bà muốn nhận đất.
Sau khi trình bày các yêu cầu trước HĐXX, nếu số tiền yêu cầu của người bị hại không khớp với số liệu trong hồ sơ, HĐXX đề nghị người bị hại cầm tài liệu qua bàn thư ký để đối chiếu, cập nhật chính xác. |
NHẬT THỊNH |
Vợ chồng bà L.D.C (ngụ Q.3) đã bỏ tiền đầu tư mua đất tại Công ty Alibaba từ năm 2018. Mục đích ban đầu của vợ chồng bà là đầu tư “lướt sóng” 1 vài dự án để lấy lãi suất 20 - 30% như công ty đã giới thiệu trong các hợp đồng quyền chọn.
Tuy nhiên, thời gian sau này, khi vừa nhận được 1 ít tiền lãi, vợ chồng ông lại được nhân viên giới thiệu, chào mời dự án mới liền ngay sau đó. Tin tưởng vào uy tín của công ty nên vợ chồng bà đã đầu tư thêm dự án. Tổng cộng, vợ chồng bà C. đầu tư hơn 20 dự án, tổng cộng hơn 3 tỉ đồng. Bà C. đến tòa trình bày, mong lấy lại tiền đã đầu tư.
Anh L.V.T (31 tuổi, ngụ Bình Phước) cho biết, đã mua 1 lô đất tại dự án của Công ty Alibaba và trả góp được 146 triệu đồng. Theo anh T., vợ chồng anh đi làm công nhân, dành dụm gần 200 triệu đồng. Để thoát kiếp ở trọ, anh V.T bàn tính với vợ tìm chỗ mua đất xây nhà. “Tôi thấy công ty lớn, hoành tráng lắm, nhân viên tư vấn nhiệt tình, chính sách công ty cho có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Nghĩ mình làm công nhân không có điều kiện nên mua trả góp cũng được. Sau khi góp tiền được 3 đợt, tôi nghe nhiều thông tin trái chiều về công ty nên lên xin thanh lý hợp đồng thì không được nên đã làm đơn tố cáo”, anh V.T nói.
Người bị hại theo dõi phiên tòa và chờ tới lượt HĐXX gọi thẩm vấn |
nhật thịnh |
Anh N.V.L (38 tuổi, ngụ Thanh Hóa) được em họ rủ đầu tư dự án của Công ty Alibaba, từ 1 - 2 năm sẽ mang bán lấy lời. Thấy Công ty Alibaba "cũng hoành tráng", anh L. đã gửi tiền vào cho em họ mua dự án.
Anh L. đã lấy 200 triệu đồng tiền dành dụm 11 năm của anh và vợ và vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng để mua 1 lô đất ở thị xã Tóc Tiên (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau đó, anh L. đặt mua thêm 1 lô đất nữa, vừa đóng tiền được vài ngày thì công an đến khám xét trụ sở Alibaba, Luyện bị công an bắt giữ. “Vợ tôi đã không đồng ý nhưng tôi vẫn gửi tiền vào mua. Biết tin bị lừa, vợ tôi sốc quá nên ôm con bỏ nhà đi luôn”, anh L. kể.
Bán nhà để đầu tư "dự án": Mất nhà, mất tiền, em trai vướng lao lý
Theo cáo trạng, tháng 3.2018, Luyện thành lập công ty Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (gọi tắt là Công ty Tia Chớp, trực thuộc Công ty Alibaba) bổ nhiệm bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc. Luyện đã mua đất nông nghiệp tại Long Thành, Đồng Nai và cho Ngọc nhận chuyển nhượng và ủy quyền cho Công ty Tia Chớp làm chủ đầu tư, lập 4 dự án, không thực hiện các thủ tục xin lập dự án, phân lô… nhưng quảng cáo có đầy đủ hồ sơ và hàng loạt ưu đãi, lừa 250 bị hại, chiếm đoạt 101,8 tỉ đồng.
Anh T.T.Nh (anh trai của bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc - 33 tuổi, Giám đốc Công ty Tia Chớp Ngọc) có mặt tại tòa trình bày, trong thời gian Ngọc làm việc tại Công ty Alibaba, gia đình anh Nh. bán căn nhà ở Bình Dương được hơn 900 triệu để đầu tư mua “dự án” tại Công ty Alibaba. Hiện tại, anh và vợ phải làm thuê, ở nhà trọ.
Bình luận (0)