VĐV chạy đua trả nợ đại học

02/02/2016 09:11 GMT+7

Càng gần thời điểm đến Tết Nguyên đán, các VĐV càng gồng sức học, trả nợ môn tại Đại học TDTT Bắc Ninh.

Càng gần thời điểm đến Tết Nguyên đán, các VĐV càng gồng sức học, trả nợ môn tại Đại học TDTT Bắc Ninh.
Dương Thúy Vi tại Đại học TDTT Bắc Ninh - Ảnh: Lê Nam
9 giờ sáng 27.1, vừa kết thúc bài tập thể lực, nhà vô địch thể dục dụng cụ (TDDC) Phan Thị Hà Thanh nhanh chóng thay bộ đồ tập rồi tất tả xách ba lô, dắt xe máy, rời Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn B (H.Hoài Đức, Hà Nội) tới Trường đại học TDTT Bắc Ninh. Cô gái bé nhỏ khoác trên người chiếc áo bông to sụ, mũ len, găng tay kín mít chống lại cơn đại hàn của miền Bắc rồi nổ máy.
“Đi sang đó mất hơn 1 giờ đồng hồ, tới nơi thì toàn thân buốt cóng, tôi phải ngồi chờ một lúc cho ấm lại rồi mới tiếp tục học”, Hà Thanh nói. Cô gái vàng của TDDC đã học ĐH được 3 năm, nhưng vì vướng lịch tập huấn, thi đấu liên miên, chương trình học của cô liên tục bị gián đoạn. Với Hà Thanh, các môn chuyên sâu về TDDC, hay các nội dung thực hành như bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… không phải chuyện khó khăn, song các môn đòi hỏi phải học thuộc và thi viết là một thử thách.
Trước tết là thời điểm không vướng các giải đấu, do đó các VĐV tranh thủ kết thúc các môn học để đón tết trọn vẹn cùng gia đình. Hà Thanh đã được vào biên chế chính thức của Sở VH-TT-DL Hải Phòng, song vì chưa có bằng ĐH, mức lương hằng tháng của cô còn khá thấp. Đó cũng là động lực để nữ VĐV sinh năm 1991 này vượt qua giá rét, mỏi mệt ngày ngày để đến trường.
Chiều 28.1, tại hội trường E2, nhà E, Đại học TDTT Bắc Ninh, chúng tôi gặp nhà vô địch wushu châu Á Dương Thúy Vi và nhà vô địch pencak silat Vũ Văn Hoàng đang tập trung làm bài thi môn tư tưởng Hồ Chí Minh. “Học thuộc rất khó, khó hơn nhiều so với tập võ hoặc chạy ra sân cỏ thi đá bóng, bóng rổ”, Vũ Văn Hoàng cho hay sau khi kết thúc bài thi. Hoàng học chuyên ngành HLV, anh cho biết đã hoàn thành được một nửa chặng đường ĐH với 3 năm, khoảng 3 năm nữa anh sẽ cầm được tấm bằng tốt nghiệp ĐH.
Vũ Văn Hoàng thuê một nhà trọ ở thị xã Từ Sơn, gần trường ĐH để tiện cho việc học. Căn phòng nhỏ 800.000 đồng/tháng, không khép kín, không có bình nóng lạnh. Anh tự đi mua cơm hộp ăn hằng ngày, khác xa điều kiện được chu cấp ở Trung tâm Nhổn, song chàng trai 21 tuổi, từng chinh chiến khắp các đấu trường SEA Games và thế giới, quyết tâm học cho ra học. “Tôi luôn tự tin với điểm số các môn chuyên sâu và thực hành. Có mỗi môn giải phẫu thì phải thi lại đến 2 lần. Công nhận là rất khó, khó hơn môn sinh học nhiều”, Hoàng gãi đầu nói.
Nếu như Hoàng ở trọ gần trường để dùi mài kinh sử thì cô gái nhỏ nhắn Dương Thúy Vi ngày nào cũng phóng xe máy đi đi về về khoảng 90 km để trả nợ các môn ở trường ĐH. Những ngày cuối năm âm lịch này là quãng thời gian bận rộn nhất trong năm khi Dương Thúy Vi có khi học cả 3 ca, sáng, chiều, tối. Cô cho biết: “Tôi mới chỉ hoàn thành hai mươi mấy môn học trong 3 năm qua thôi nên bây giờ phải cố gắng”.
Vi đi học chăm chỉ, chữ của nữ VĐV này rất tròn trịa, ngay ngắn. “Có những buổi tối phải học các môn lý thuyết như triết học, quản lý hành chính nhà nước, giống như mình đang được thử thách lòng kiên nhẫn vậy. Nhưng cũng sắp đến đích rồi, tôi hy vọng 3 năm nữa mình sẽ ra trường”, cô gái tài năng của wushu VN hào hứng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.