Ở những kỳ SEA Games trước, đoàn thể thao Việt Nam luôn tuyên bố các mức thưởng nóng, ví dụ như ở SEA Games 30 năm 2019, VĐV Việt Nam đoạt huy chương vàng được 5 triệu đồng, còn huy chương bạc được 3 triệu đồng và huy chương đồng được 1 triệu đồng. Khoản tiền này do các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp, thông qua sự kêu gọi của Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC).
Nữ hoàng điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng sẽ giành huy chương vàng SEA Games 31 |
HOÀNG QUÂN |
Trước SEA Games 31, suốt thời gian qua, VOC cũng đã kêu gọi nguồn xã hội hóa để có quỹ thưởng nóng cho đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có một doanh nghiệp nào nhận lời.
Một lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ: "Do ảnh hưởng của Covid-19 mà nhiều doanh nghiệp đã không làm ăn tốt nên chưa mặn mà với việc hỗ trợ đoàn Việt Nam. Kế hoạch thưởng nóng cho đoàn vẫn chưa thể được xây dựng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục kêu gọi. Hy vọng trong quá trình diễn ra SEA Games 31, đoàn Việt Nam sẽ nhận được sự đóng góp từ các doanh nghiệp. VOC mỗi năm có kinh phí do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấp, nhưng IOC đề nghị dùng cho việc đào tạo, tập huấn VĐV. Nhà nước không có khoản chi để thưởng nóng cho VĐV Việt Nam thi đấu tại các giải đấu lớn, trong đó có SEA Games”.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng được dự báo sẽ giành vàng SEA Games 31 |
KHẢ HÒA |
Để phục vụ việc đăng cai SEA Games 31, ngân sách nhà nước chi 2 khoản. Khoản dành cho công tác tổ chức 750 tỉ đồng, được giải ngân thành 2 lần và do Bộ Tài chính cấp vốn. Khoản dành cho nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất vào khoảng hơn 500 tỉ đồng, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp vốn.
SEA Games 31 diễn ra từ 12.5 - 23.5 tại Hà Nội và 11 địa phương lân cận.
Bình luận (0)