Về Huế ăn cơm: Hổ lốn, trộn trạo, xà bần

29/11/2021 06:42 GMT+7

Tôi có một người bạn đang làm sếp một công ty lớn của nước ngoài đóng tại TP.HCM. Bạn hiện đại, hội nhập hơn tôi là điều hiển nhiên. Nhưng trong chuyến về thăm Huế mới đây của bạn, tôi mới phát hiện thêm một điều thú vị nữa là bạn còn “nhà quê” hơn cả tôi.

Bạn kể rằng, về quê sang nhà hàng xóm bị trượt bổ giữa cươi may mà không hề hấn chi. Từ “cươi” (sân), “bổ” (ngã) là từ địa phương của quê tôi cũng như nhiều làng quê Bình Trị Thiên mà bạn nói tự nhiên lắm, làm tôi suýt bật cười vì lâu ni mình hình như quên cả cái từ quen thương này.

Rồi bạn nhìn dĩa cơm chiên với trứng, cà chua, rau..., nói răng tau không thích loại cơm chiên ni, bởi nó không có mùi thơm của nước mắm biển, mùi hăng nồng thoang thoảng của khói bếp; nói chung là không ngon bằng cơm chiên thuở trước ở làng. Mà này mấy đứa bây còn nhớ cái món “trộn trạo” sau ngày kỵ hồi trước ở quê mình không? Ui chao cái xoong trộn trạo cả mấy món thức ăn thừa sau kỵ ngon chi lạ hè!

Một cánh đồng rau ở Huế

Phi Tân

Rồi câu chuyện của mấy thằng bạn cùng lớp phổ thông trong buổi chiều mùa thu xứ Huế chuyển sang hương vị của cái xoong thức ăn thừa hâm lại sau ngày kỵ ở quê. Tôi vẫn còn nhớ nhà văn Vũ Bằng gọi đó là món hẩu lốn trong một bài tạp bút cực kỳ tinh tế ở những trang cuối của cuốn tạp văn Món ngon Hà Nội. Ông viết một đoạn về món hổ lốn này: “Có phải ở trong Nam, người ta gọi hẩu lốn là “xà bần” không? Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có “tả pín lù”, Tây có “lâm vố”, mà ở đây thì có “xà bần”; ba thứ này cũng như hẩu lốn đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên, nhưng tại sao ăn vào tôi vẫn thấy một cái gì “khang khác”, không làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn?”.

Cũng như nhà văn nổi tiếng của đất Bắc khi vào sống ở miền Nam, xa Hà Nội ngồi nhớ món hẩu lốn, chúng tôi - những đứa con của các miền quê nghèo miền Trung chừ sống ở phố đây đó - cũng nhớ món “trộn trạo” quê nhà đó thôi.

Mâm kỵ ở Huế

Đó là những món thức ăn thừa trên mâm kỵ. Sau khi khách khứa đã về hết, mấy mụ, mấy o, mấy dì cũng đã ăn xong ở mâm dưới bếp và còn gói cho mỗi người một ít xôi, một ít thịt luộc, mấy miếng ram bánh tráng hay xương ram ngọt, để mang phần về cho mấy đứa con, đứa cháu ở nhà. Rứa là còn những thứ đồ thừa từ mấy dĩa xào, mấy tô canh miến gà, mấy tô canh măng vịt... Nhiều thức, nhiều món lắm, nhưng mỗi thứ một ít nên phải đổ chung lại vô một cái xoong to và bắc lên bếp...

Kỳ lạ là khi đổ vô chung một xoong, hâm nóng lại thì những món cũ đã bay mất hương vị riêng của nó. Cái xoong trộn trạo đó đã trở thành một món mới có vị khác, hương khác từ miếng măng còn cứng đã trở nên mềm hơn, miếng bún khô cũng ướt hơn đến mấy lát mướp đắng xào, mấy khúc đậu cô ve, mấy cục bột lọc, miếng thịt vịt, cục xương heo hay cái cánh gà cũng nhuyễn ra, mềm hơn... Rồi buổi tối, sau khi đã chạy chơi đến mệt bở hơi tai, mấy đứa nhỏ con chú, con bác, con cậu, con dì lâu lâu tập trung về một nhà ăn kỵ lại được mỗi đứa một tô cơm nóng với đồ trộn trạo, sao cảm thấy ngon lành quá thể!

Cái món trộn trạo hay hẩu lốn ni mà gặp tiết trời lành lạnh mùa đông, ăn với cơm nóng vào buổi sáng trước khi đi học thì chỉ có căng bụng, đến trưa còn no!

(Trích Về Huế ăn cơm, NXB Lao động và Chibooks ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.