Về Kiên Giang, nay đã khác xưa

Qua những gì được thông tin, tôi hình dung ra một Kiên Giang thiếu nước, đồng khô lúa cháy xác xơ, cỏ cây héo úa.

Tôi về Kiên Giang khi mùa mưa bắt đầu đến với đồng bằng sông Cửu Long sau những ngày hạn mặn khốc liệt. Qua những gì được thông tin, tôi hình dung ra một Kiên Giang thiếu nước, đồng khô lúa cháy xác xơ, cỏ cây héo úa. Thế nhưng khi chiếc máy bay ATR 72 đáp xuống sân bay Rạch Sỏi nằm giữa vùng nông thôn hiền hòa thì khung cảnh hiện ra trước mắt tôi lại khác rất xa so với những điều trong trí tưởng.
Tôi xa Rạch Giá 17 năm. Ngày ấy, Rạch Giá nằm ở vùng bờ biển tây nam của đất nước, vẫn còn là một thị xã nhỏ bé, xinh xinh, thẹn thò như cô gái ẩn mình với con đường Nguyễn Trung Trực chạy thẳng vào nội thị, thỉnh thoảng mới có một đường xương cá cắt thành ngã ba, ngã tư. Ngày ấy, chương trình lấn biển của Kiên Giang chỉ mới bắt đầu, những chiếc xáng đậu ngoài vịnh biển xa hút phù sa và cát đưa vào vùng rừng tràm, đước mọc ven thị xã, tạo nên hình nên vóc những khu vực mà ngày sau sẽ là đường đi, lối về, công viên, nhà phố…
Ấy vậy mà sau 17 năm, Rạch Giá đã trở nên một thành phố tươi đẹp, văn minh, hiện đại ở cuối trời tây nam đất nước. Nếu có một công trình quy hoạch để phát triển theo hướng đô thị hóa nhanh nhất, tiết kiệm nhất, không tạo ra những xáo trộn đời sống dân cư nhất và thành công nhất thì đó phải là chương trình lấn biển ở Rạch Giá, Kiên Giang. Vịnh Rạch Giá nằm trong lòng Biển Tây mênh mông cho phép con người bồi lấp, hình thành những con đường xinh đẹp, những dãy phố thơ mộng, những công trình mới mẻ, những quảng trường và công viên rộng rãi.
Điều tuyệt vời nhất có lẽ là trên những vạt đất biển mới hình thành phố xá, người ta đã trồng được nhiều cây xanh, cỏ xanh, hoa lá, tạo cho Rạch Giá có cái tác phong của một đô thị xanh mát. Trung tuần tháng 5.2015, mưa khuya về trên thành phố; sáng hôm sau lại có thêm một cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ. Nghe mưa và đi trong mưa, người Kiên Giang có lẽ ai cũng có tâm trạng vui mừng.
Nước ngọt đã có, mùa mưa Nam bộ đã về, ruộng đồng, cây trái sẽ ra hoa kết hạt, ao đìa sẽ nuôi được cá tôm. Người xưa hình dung cái hạnh phúc dung dị của đời người là “Hạn lâu, gặp mưa lớn/ Xa quê, thấy bạn xưa” (Cửu hạn, phùng cam vũ/Tha hương, ngộ cố tri). Rạch Giá đã có hai cơn mưa vàng, lớn đến nỗi nước ngập tràn cả khuôn viên của Đài phát thanh - truyền hình Kiên Giang và vài tuyến phố nội thị. Ngàn cây tươi tỉnh lại, lá non được rửa ráy hết bụi hè, dễ thương như khuôn mặt trẻ thơ đến trường mẫu giáo.
Mưa làm hạ nhiệt không khí, khiến thành phố mát hẳn. Hôm qua, tôi vào lớp đứng giảng bài cho các anh chị em sinh viên khóa báo chí truyền thông còn bị mồ hôi ra ào ào trên trán, trên mặt. Sau mưa thì đã khác, không khí dịu đi, con người tươi tỉnh, lao động vẫn bình thường nhưng không có giọt mồ hôi nào trên trán.
Điều đáng nhớ nhất của tôi là ngồi trong phim trường Đài phát thanh - truyền hình Kiên Giang thu chương trình Tác giả và tác phẩm trong khi tiếng mưa vẫn rơi ầm ào trên mái tôn. Mưa hồi sinh mọi thứ. Bầy chim én được ngày mát mẻ ùa ra bay lượn trên bầu trời, chiêm chiếp gọi nhau vang động cả một góc phố Lâm Quang Ky.
Đất Kiên Giang có những điều thú vị khiến người ta không ngờ. Đường bay Tân Sơn Nhất - Rạch Sỏi chỉ mất dưới 40 phút. Dưới cánh bay, nhà cửa, ruộng đồng, vườn cây trái, sông ngòi, kênh rạch Nam bộ hiện ra. Sân bay nằm giữa đồng quê chỉ có một đường băng dài trên dưới 1.000 m, có một chỗ rộng cho máy bay quay đầu lại, đậu cách nhà ga khoảng mươi mét. Con người vui tươi, nụ cười rộng mở, sân bay Rạch Sỏi đúng là một sân bay làm ăn với tác phong cởi mở, thân thiện bậc nhất trên đời.
Đất Kiên Giang ngộ lắm, mặt trời mọc bên kia ruộng đồng và lặn ở Biển Tây bát ngát. Ngồi trong quán cà phê ven vịnh Rạch Giá, bạn sẽ thấy mặt trời chiều đỏ tươi từ từ lặn xuống đâu đó trên Biển Tây mênh mông. Xa xa sau màn sương khói chiều hôm, vùng đồng bằng hai huyện An Minh - An Biên hiện ra vẽ nên một màu xanh thẫm.
Tiếp theo đó là những tàu lớn, ghe lớn đánh cá, những chuyến tàu cao tốc đưa người đi về Phú Quốc chạy như thoi đưa. Trong lòng vịnh cạn, những chiếc vỏ lãi hay tắc ráng gắn máy chạy xăng chở người đi chợ qua các bến hay ghé bán những loại hải sản vừa đánh bắt được. Những hàng đước xanh cách bờ khoảng 1 cây số đang được tiếp tục trồng xuống. Vâng, người Kiên Giang đang thực hiện công trình lấn biển.
Chỗ sông Kiên đổ ra biển hình thành một cảng nước tương đối sâu. Những đoàn thuyền đánh bắt xa bờ về đây buông neo, đưa cá tôm vào chợ hay vào những nhà máy chế biến. Bọn hải âu bay theo đậu hẳn trên thuyền chờ kiếm một vài con cá làm bữa ăn tối. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiên Giang thường ra ngồi trong cái quán cà phê gần đó, sẵn sàng máy ảnh để ghi lại các hình ảnh hải âu tìm mồi, bay lượn. Có khi thuyền cá chưa về, các anh mua… mỡ heo cắt từng miếng nhỏ, thảy trên mặt biển để “gọi” hải âu tới. Mũi của bọn hải âu rất thính với mỡ heo tươi!
Thức ăn Rạch Giá khá ngon, giá cả lại vừa phải. Ăn sáng khoảng 30.000 đồng, đủ thứ hủ tiếu, mì xương, bún cá lóc, phở, bò kho… Cà phê phin sữa khoảng 15.000 đồng. Buổi trưa và chiều, ai muốn ăn cơm thuần túy theo khẩu vị miền Tây đã có sườn ram, sườn nướng, tôm kho tàu, thịt quay kho hột vịt, các loại cá biển và cá đồng kho tộ, canh chua các thứ.
Người Rạch Giá ăn ngay, làm thiệt, bữa cơm ngon chỉ trả khoảng 50.000 đồng. Các thứ thức ăn đều được nấu tại chỗ, có thứ được hâm lại bảo đảm nóng sốt. Quán xá chưa sang lắm nhưng không tệ chút nào. Ra biển uống cà phê ăn sáng ngồi ngắm bình minh, nhiều lắm bạn chỉ tốn khoảng dưới 50.000 đồng. Kiên Giang là miền đất hiền hòa, đáng sống và đáng yêu.
Những con đường chạy song song với bờ vịnh Rạch Giá là những phố ăn uống. Đặc biệt hơn nơi đâu hết, các tiệm cà phê ở Rạch Giá có thể khiến người ta ghen tị với mặt tiền rộng cả trăm mét. Những đêm cuối tuần, người ta vào các tiệm cà phê đông đen như đi hội.
Ngồi dưới ngàn sao trông ra vịnh biển, hưởng hơi gió mát quên đi một ngày nóng nực là hạnh phúc giản dị của người Kiên Giang. Xe cộ để ngay ngắn, san sát nhau nhưng ít khi nghe ai ở Kiên Giang mất xe vì uống cà phê dù nơi đó không có người trông giữ. Rạch Giá là một thành phố an ninh, ít tội phạm bậc nhất của miền tây Nam bộ.
Ngay từ hôm nay, người ta đã có thể hình dung Kiên Giang là tỉnh giàu đẹp ở cuối trời Tổ quốc. Phú Quốc đã trở thành đảo ngọc, đang hái ra tiền với hoạt động du lịch. Hà Tiên là đặc khu kinh tế, cũng đã trở thành một thị xã giàu đẹp. Nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác của Kiên Giang như Kiên Hải, Nam Du, Thổ Chu cũng đã được khách du lịch biết đến và mến mộ.
Giang Thành - huyện mới nằm dọc biên giới với nước bạn Campuchia, kinh tế thuần nông, có bị ảnh hưởng hạn hán khốc liệt thì đang được Kiên Giang đùm bọc, chia sẻ. Ngoài ra, các huyện khác đều phát triển nhờ kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển.
Có một điều cần nhận ra ở Rạch Giá là nếu mảng kinh tế phát triển khá rực rỡ thì mảng văn hóa lại ít thấy. Phố xá tươi đẹp, nhà hàng, quán nhậu đông vui, siêu thị phát triển tưng bừng nhưng tiệm sách, tiệm bán báo thì quá ít, các trung tâm văn hóa và những sinh hoạt văn hóa dành cho thanh niên, học sinh quá hiếm hoi. Những tối cuối tuần cũng có vài tụ điểm nhạc sống nhưng loại hình sân khấu này hơi dễ dãi và chỉ nhằm phục vụ cho khách ăn uống. Được cái là người Kiên Giang hào sảng, tốt bụng, rộng lòng nên nếp sống văn hóa ở đây nói chung là tốt đẹp.
Bạn về với Kiên Giang là về với vùng đất tươi đẹp bậc nhất ở cuối trời đất nước. Tổ phụ ngày xưa khai phá đất Kiên Giang là đi đến cùng trời cuối đất rồi, vậy nên tâm hồn người Kiên Giang nhiều đời nay vẫn thoáng đãng, hào sảng, chịu chơi và rất quý khách.
Phương tiện về với Kiên Giang cũng không thiếu, máy bay an toàn, đường bộ khá. Đời đã từng có câu hát “Kiên Giang mình đẹp làm sao”. Vâng, cái đẹp của Kiên Giang tiềm ẩn trong lòng người và trong cả thiên nhiên tươi đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.