Nổi tiếng trong giới làm bánh kem nhờ khả năng mô tả các sự vật xung quanh y như thật qua tác phẩm của mình, năm nay, nhân dịp xuân về, chị Lâm Ngọc Trân thực hiện độc quyền cho Thanh Niên sản phẩm bánh kem tết.
Vẫn là cốt bánh trái cây với kem bơ nhưng được chị tạo hình thành chiếc bánh chưng, cành hoa đào, chậu mai bonsai, quả dưa hấu… sắc nét và chân thật, rực rỡ sắc màu.
|
Nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy các mẫu bánh do chị Ngọc Trân làm đều trầm trồ, tưởng như bị đánh lừa thị giác và bật lên câu hỏi: đây là bánh hay là cành mai, cành đào, quả dưa hấu, bánh chưng… thật?
Màu xanh hơi bóng của dưa hấu được khắc chữ “tài” màu đỏ, điểm tỉ mỉ từng chút một, vẽ thêm những cành mai nhỏ như tranh sơn dầu lên da quả dưa, thậm chí cuống dưa cũng có màu nâu hơi cong cong giống như được thu hái trước đó vài ngày nay đã héo, hơi rũ nhẹ xuống… những chi tiết tinh tế đến khó phân biệt bánh hay dưa hấu thật.
Đi kèm là chậu mai vàng bonsai hoa trĩu cành càng “gây khó” cho người nhìn.
tin liên quan
Dừa in hình gà tiền triệu “cháy hàng” cận TếtNăm nay, thị trường hàng Tết xuất hiện dừa in hình nổi mới lạ. Hình nổi được in bằng chất liệu nhựa tổng hợp và quét một lớp sơn phía ngoài. Giá mỗi trái gần 1 triệu đồng.
Theo chị Ngọc Trân: “Tôi muốn giới thiệu những gì là bản sắc của ngày tết thân thuộc trong mỗi gia đình Việt. Giống như nhà tôi, lúc dâng lên gia tiên bao giờ cũng có quả dưa hấu để mong một năm son hồng như ruột dưa hấu. Hình tượng quen thuộc đến nỗi cứ nhìn thấy dưa hấu có chữ đỏ phía trên là báo hiệu xuân về.
Không những có thể ăn được, “quả dưa” bánh này nếu đặt trong điều kiện phòng máy lạnh có thể giữ trưng bày rất lâu. “Dưa hấu” với bên trong là cốt bánh bông lan hạnh nhân xốp mềm được bao phủ bên ngoài lớp kem bơ Hàn Quốc, cuống làm từ chocolate, tất cả đều ăn được.
Lúc làm quả dưa, tôi phải làm cốt bánh bông lan hơi cứng, cứ một lớp bánh một lớp mứt xếp cân bằng để khi tạo hình bánh không bị nặng quá, không bị sụp, không ra hình tròn của quả dưa hấu”.
|
Mai vàng phương Nam rực rỡ đầy cành là biểu tượng của một năm sung túc, đủ đầy nên lúc làm bánh phải cực kỳ cẩn thận kẻo “dông” cho chủ nhà. Nhiều người nghĩ nhìn thế cong cong của rễ cây, của cành mai, đoán chắc bên trong để dây kẽm hay khuôn tạo hình… nhưng chị Trân cho biết toàn bộ cây mai đều có thể ăn được, từ hoa, cành, nụ hay chậu, đặc biệt chậu hoa là bánh gato mứt thơm vô cùng hấp dẫn.
Chậu mai bên ngoài thường có thế đẹp cũng là yếu tố gây khó khăn không ít cho người làm bánh. Chị Trân kể: “Tôi cố gắng quan sát kỹ cây mai thật, sau đó tạo hình cho dáng mai uốn lượn nhẹ nhàng mềm mại. Chia cây thành từng mẩu nhỏ, cành cây và rễ được phủ thêm chocolate màu nâu, chậu hoa là bánh gato, đất rắc trên chậu là chocolate, bông hoa từ kem bơ… sau đó ráp lại chung để thành sản phẩm. Tỉ mỉ hàng tiếng đồng hồ mới hoàn thành một chậu”.
tin liên quan
Gà kỳ lân năm ngón giá chục triệu tại Sài GònGần đây, dân chơi gà tại TP.HCM rộ phong trào nuôi giống gà “khổng lồ” giá chục triệu nhập từ Châu Âu có đặc tính khá thân thiện về nuôi cảnh.
Và ai nỡ ăn một chậu lan hồ điệp dễ thương? Từng chiếc lá, từng cánh hoa cũng được làm đơn lẻ bên ngoài, sau đó mới ghép thành chậu. Từng đường vân trên chậu, vân của lá lan được tạo hình tỉ mỉ, chi tiết sắc sảo đến độ khó phân biệt nếu để chậu hoa mẫu và bánh gần nhau.
Chị Ngọc Trân tiết lộ, phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được cách cân bằng trọng lực từ chậu tới cành và hoa để làm sao hoa khi gắn lên cành cây nhỏ không bị rơi xuống, cành không gãy. Nhìn chậu lan rực rỡ tươi tắn như biểu tượng trẻ trung tràn đầy năng lượng của ngày mới, ngày đầu năm, ai cũng thấy như năm mới đến thật gần.
|
|
Xuân Đinh Dậu không thể thiếu hình tượng con gà. Con gà vàng được đặt bên cạnh những bông lúa vàng và đồng xu xếp đầy xung quanh như tác phẩm điêu khắc thực sự, chỉ khác ở chỗ chất liệu là bánh và kem bơ chứ không phải đồng hay thạch cao. Con gà vàng nặng khoảng 4-5 kg, cao 24 cm (không tính phần đế bánh), được phủ nhũ là kem vàng bên ngoài.
Tạo hình con gà khá phức tạp, phải dùng cốt bánh ghép tạo hình khung xương gà, rồi vẽ từng chi tiết lên như lông gà, móng, mào… từng bông lúa nhỏ cũng phải chăm chút. “Cố gắng làm càng chi tiết càng tỉ mỉ thì con gà mới càng chân thực, có hồn, nếu không, nhìn tác phẩm giống như đồ nhựa, rất giả tạo”, chị Trân chia sẻ.
Có lẽ với nghệ nhân làm bánh kem Lâm Ngọc Trân, không có gì là không thể. Chỉ cần hình dung và mô tả chính xác loại bánh mình muốn làm, chị Trân sẽ tạo hình như thật theo yêu cầu đặt hàng. Nhìn đĩa bánh chưng ngày tết, bên cạnh có cành đào phai nho nhỏ, ai cũng háo hức bóc vỏ bánh để ăn, nhưng sẽ tiếc lắm nếu bỏ đi lớp áo kem bơ và chocolate bên ngoài đấy!
Với bánh chưng do chị Trân làm, chỉ cần dùng dao cắt từng phần từ “vỏ” đến nhân rồi dùng muỗng múc ăn thôi.
Bình luận (0)