Vệ sinh điện thoại đúng cách như thế nào?

19/04/2022 14:48 GMT+7

Không thể ngâm nước, đánh xà phòng như nhiều vật dụng khác, người dùng buộc phải sử dụng các biện pháp đặc biệt hơn để vệ sinh điện thoại mỗi ngày.

Điện thoại được xem là vật bẩn, nhiều vi khuẩn nhất mà con người tiếp xúc mỗi ngày. Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), thiết bị này bẩn hơn gấp 10 lần so với bệ ngồi của bồn vệ sinh. Nhưng việc vệ sinh điện thoại bằng cách rửa nước thông thường là điều bất khả thi.

Vệ sinh điện thoại không phải là công việc đòi hỏi quá nhiều công sức

Chụp màn hình

Trước tiên, người dùng cần ghi nhớ một điều rằng rất nhiều smartphone hay điện thoại “cục gạch” trên thị trường hiện nay có tính năng “kháng nước”, không phải “chống nước”. Không nhà sản xuất nào dám tuyên bố thiết bị của mình “chống nước” hoàn toàn và thường từ chối bảo hành nếu sản phẩm có dấu hiệu bị nước xâm nhập trong quá trình sử dụng. Hiện có một vài tiêu chuẩn “kháng nước” khác nhau trên điện thoại, đánh giá dựa trên chỉ số IP, ví dụ IP68, IP67… Con số phía sau “6” thể hiện mức kháng nước: 8 có nghĩa trên 1 m và 7 là dưới 1 m. Nếu máy đạt IP67 hay 68, thiết bị có thể được… rửa rất nhanh qua nước mà không để lại tổn thất đáng kể nào, miễn sao đừng nhúng ngập trong thời gian quá lâu.

Đối với điện thoại nói chung, ngoài việc rửa nhanh qua nước nếu máy đạt IP67, 68 nói trên, người dùng có thể áp dụng thêm 2 cách đơn giản dưới đây để vệ sinh máy.

Dùng giẻ tẩm cồn

Lau máy bằng giẻ có tẩm cồn là cách thông dụng để làm sạch bề mặt điện thoại. Cả Apple lẫn Samsung - hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất hiện nay - đều khuyến nghị dùng giải pháp lau rửa bằng cồn isopropyl 70% (IPA) để làm sạch thiết bị. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng, cho rằng chất tẩy rửa chứa cồn có thể đánh bay lớp phủ gốc dầu dùng để bảo vệ bề mặt màn hình.

Mặc nhiên lớp phủ này sẽ mất dần theo thời gian sử dụng, nhưng việc tẩy rửa dùng chất bay hơi như cồn sẽ đẩy nhanh quá trình này. Tuy vậy, người dùng không nên quá lo lắng bởi nếu dùng với tần suất thưa (như mỗi tuần 1 lần) sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn nào.

Ngoài màn hình thì các phần vỏ khác của điện thoại có thể áp dụng cách này mà không cần lo lắng gì. Nhưng cần lưu ý tẩy rửa bằng cồn cũng cần máy phải có mức kháng nước nhất định bởi dù bay hơi nhanh, cồn vẫn có khả năng phản ứng với nhựa (ở vỏ ngoài máy). Tốt nhất nên kiểm tra thử trên vùng nhỏ để xem phản ứng trước khi tẩy sạch từ đầu tới cuối.

Dùng ánh sáng tia cực tím

Một mẫu máy khử khuẩn điện thoại bằng tia UV

Casetify

Ứng dụng các bước sóng nhất định của ánh sáng cực tím (tia UV) sẽ loại bỏ những lo ngại liên quan tới chất lỏng hay công kỳ cọ thiết bị cho sạch, đồng thời giúp loại bỏ, giới hạn sự phát triển của vi sinh vật. Nhưng không hẳn vì vậy mà đem điện thoại ra phơi trước ánh nắng mặt trời.

Trên thị trường đang bán rất nhiều thiết bị chiếu tia UV khác nhau, đa phần có thiết kế giống bồn tắm nắng mini dành cho điện thoại. Cách dùng khá đơn giản, chỉ cần cho máy vào trong, bật đèn UV lên và chờ vài phút để tia cực tím khử khuẩn cho máy. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư tốn kém, một chiếc máy khử trùng bằng UV cho điện thoại có thể tới vài triệu đồng, trong khi các mẫu giá rẻ không thể kiểm chứng chất lượng. Dù vậy, so với cách dùng nước, cồn hay các dung dịch tẩy rửa thì phương án này tiện lợi, an toàn hơn.

Dù là cách nào, người dùng cũng nên chọn ít nhất 1 phương án để vệ sinh điện thoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.