Vệ sinh hồ cá, người đàn ông bị mụn nước khắp người như thủy đậu

Ngọc Quý
Ngọc Quý
28/03/2019 09:34 GMT+7

Người đàn ông Mỹ bị nổi mẩn đỏ, xuất hiện mụn nước trông như thủy đậu ở tay, ngực và bụng. Ông bị chẩn đoán nhiễm khuẩn khi vệ sinh hồ cá của mình.

Người đàn ông 73 tuổi được chuyển đến đơn vị điều trị truyền nhiễm của Đại học Iowa (Mỹ) khi xuất hiện triệu chứng nổi ban đỏ. Những vết đỏ và mụn nước mặc dù có vẻ ngoài giống thủy đậu nhưng không gây ngứa, theo Daily Mail.
Tên của bệnh nhân không được tiết lộ. Các xét nghiệm cho thấy ông bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium marinum (M.marinum). Loại vi khuẩn này sống trên cơ thể của nhiều loại cá. Ông được cho là bị lây nhiễm khi vệ sinh hồ cá.
Tuy nhiên, ngay khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, người đàn ông đã chủ quan và không đến bệnh viện. Đến tận 3 tháng sau, khi bệnh đã tiến triển nặng ông đi điều trị. Bác sĩ Takaaki Kobayashi, người trực tiếp điều trị cho người đàn ông, đã chia sẻ trường hợp này trên chuyên san BMJ Case Report.
Khi nhập viện, bệnh nhân cho biết ông không có các triệu cứng như sốt, ho. Gần đây ông không có đi du lịch đến vùng có dịch bệnh hay tiếp xúc với bất kỳ người bệnh nào.
Ban đầu, các bác sĩ nghĩ rằng ông bị nhiễm vi khuẩn Nocardia. Chúng thường sống trong đất. Nếu hít phải, người bệnh có thể bị viêm phổi, gây đau ngực, ho và khó thở, theo Daily Mail.
Khi bác sĩ điều trị bằng thuốc kháng sinh trimethoprim và sulfamethoxazole, các vết ban đỏ trên da mờ dần. Những xét nghiệm sau đó phát hiện ông bị nhiễm M.marinum.
Do bệnh đã tiến triển nặng nên các bác sĩ phải điều trị thêm bằng kháng sinh rifabutin. Bệnh tình dần tiến triển và người đàn ông bình phục vài tháng sau đó.
Một số báo cáo cho thấy có đến 84% những trường hợp nhiễm vi khuẩn M.marinum có liên quan đến hồ cá. Hầu hết các trường hợp xảy ra do vết cắn của cá hoặc vết thương hở tiếp xúc với nước bẩn trong hồ.
Trong số 25 đến 50% các trường hợp, vết ban đỏ sẽ xuất hiển ở phần nửa trên của cơ thể và lan rộng. Triệu chứng thường gặp nhất là những mụn nước màu đỏ. Những người có hệ miễn dịch yếu thì bị sốt, nổi hạch hoặc nhiễm trùng máu.
Nhiễm khuẩn M.marinum thường bị chẩn đoán nhầm là giang mai hoặc lao. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể dễ dàng được phát hiện trong phòng thí nghiệm vì chúng thường phát ra sắc tố màu vàng khi tiếp xúc với ánh sáng, theo Daily Mail.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.