Vẽ tranh 'độc lạ': Vẽ kiểu... nằm ngửa, treo mình

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
14/09/2023 07:12 GMT+7

Tác giả bức tranh trần nhà khổng lồ (hơn 250 m2) ở nhà thờ Tam Tòa (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) vừa khánh thành đã phải nằm ngửa, treo người để vẽ...

KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI… SỢ ĐỘ CAO

Tích xưa kể rằng nghệ nhân Phan Văn Tánh là người vẽ bức Cửu long ẩn vân trên trần nhà trong cung Thiên Định ở lăng Khải Định. Có lần vua Khải Định đến xem, thấy ông Tánh vẽ rồng trên trần nhưng dùng chân chứ không dùng tay, cũng không dừng công việc để xuống hành lễ. Khi vua có ý hỏi tội, ông Tánh mới tụt xuống đất giải thích, việc không xuống nghênh tiếp là để tiết kiệm thì giờ, kịp tiến độ vua ban còn việc dùng chân vẽ là muốn giữ khoảng cách từ mắt đến tranh vừa đủ để nhìn cho rõ. Vua rất giận nhưng đành bảo, nếu Việt Nam có 2 Phan Văn Tánh thì đã chặt đầu 1 ông, tức họa sĩ đang đứng trước mặt...

Vẽ tranh 'độc lạ': Vẽ kiểu... nằm ngửa, treo mình  - Ảnh 1.

Những bức tranh trên mái vòm ở nhà thờ giáo xứ Tam Tòa do Sĩ thực hiện

BÁ CƯỜNG

Ngót 1 thế kỷ sau, có chàng họa sĩ tự do Nguyễn Tiến Sĩ (33 tuổi) cũng có nét tương đồng về tư thế nằm ngửa để vẽ. Tất nhiên, anh chỉ dùng tay.

Sĩ là người con ở thôn Thanh Tân (xã Quảng Hòa, TX.Ba Đồn, Quảng Bình), tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Huế. Để mưu sinh, sau khi ra trường, Sĩ là một họa sĩ tự do, sống phóng khoáng, không từ chối bất kỳ công việc gì để vừa nuôi sống bản thân vừa thỏa mãn đam mê. Nhận thấy xu thế mỹ thuật dân dụng ngày càng phát triển, anh sẵn sàng nhận vẽ những bức tranh tường, trang trí nhà hàng, quán cà phê… Nhưng anh còn tự khám phá bản thân có khả năng vẽ trong tư thế độc, lạ: ngửa mặt lên trời. Khả năng này rất phù hợp vẽ những bức tranh ở trên trần nhà, mái vòm, có độ cao...

"Nói về độ khó, về phạm vi xử lý và góc nhìn thì chắc chắn sẽ khó hơn rất nhiều so với vẽ tranh trong khung, vẽ tranh trên mặt phẳng. Vẽ tranh trên trần nhà thường phải tác nghiệp ở trên cao và vẽ trên kích thước rất lớn, nên việc quan sát tổng thể, chia bố cục cho cân đối là điều khó. Quá trình vẽ, riêng cái việc trèo lên trèo xuống liên tục để quan sát và cân chỉnh cho phù hợp với góc nhìn từ dưới lên trên cũng đủ mướt mồ hôi rồi. Thêm nữa, công việc này thường tiếp xúc với ánh sáng đèn lâu ngày, làm trong một thời gian dài với tư thế ngẩng cổ, nằm ngửa…", Sĩ nói.

Vẽ tranh 'độc lạ': Vẽ kiểu... nằm ngửa, treo mình  - Ảnh 2.

Tư thế nằm vẽ ở độ cao 15 m của SĩẢNH:

NVCC

NẰM VẼ SUỐT 2 NĂM

Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) vừa khánh thành hồi tháng 8 có kiến trúc cổ điển, xây dựng trong vòng 7 năm chủ yếu bằng vật liệu chính gồm đá granite, đá marble... với khoảng 1.000 khối đá. Công trình này còn khiến nhiều người trầm trồ bởi những bức tranh trên tường và mái vòm rất lớn, được thực hiện rất công phu, tỉ mỉ.

Họa sĩ Nguyễn Tiến Sĩ chính là tác giả của những bức tranh đó, anh mất hơn 2 năm để hoàn thành… "Tổng cộng hệ thống tranh ở nhà thờ này mình vẽ gồm tranh chính, tranh phụ, sơn hiệu ứng khoảng hơn 1.000 m2 chia thành 4 bức mang 3 nội dung khác nhau. Riêng bức ở chính điện có kích thước hơn 256 m2 chưa tính độ vòm cung", Sĩ nhớ lại.

Năm 2019, anh bắt đầu vào làm việc tại Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa. Là con chiên ngoan đạo, với anh, điều này thực sự là một vinh dự to lớn. Trong quá trình trao đổi, cha quản xứ là cha Peter Trần Văn Thành đã có trao đổi với Sĩ và một vài họa sĩ về ý tưởng, cùng tìm hiểu nội dung và hình ảnh để thực hiện hệ thống tranh trang trí trần nhà thờ cho phù hợp với nghệ thuật tôn giáo, phản ánh các ý nghĩa về đạo Công giáo, về đức tin, các sự kiện ghi chép trong kinh sách...

Sau khi thống nhất và được sự tin tưởng của cha quản xứ, Sĩ xắn tay vào việc. "Ban đầu, khi mới bắt đầu làm những bức tranh phụ cũng có 2 người bạn đồng nghiệp hỗ trợ, nhưng với bức chính diện và lúc đi vào hoàn thiện thì chỉ có một mình. Vì hoàn thiện bức tranh mà nhiều người làm sẽ khó có sự đồng nhất, hơn nữa mỗi người sẽ có một phong cách và lối vẽ khác nhau nên sẽ khó hòa trộn vào một tác phẩm", Sĩ phân tích.

Suốt thời gian dài, anh phải làm việc ở độ cao trên 15 m. Ngoài tỉ mẩn từng nét vẽ, thứ anh đặc biệt quan tâm là sự thuận tiện, an toàn trong di chuyển và tác nghiệp. Một cú té ngã không chỉ làm tan tành sự nghiệp mà có khi đổi cả mạng sống. Ngặt nỗi, tất cả mọi thao tác của Sĩ khi vẽ tranh vòm đều phải thực hiện thủ công, từ quá trình vẽ phải hết ngồi khom sang nằm ngửa hết sức gò bó đến việc phải trèo lên trèo xuống giàn giáo liên tục để quan sát, cân chỉnh bố cục… "Ngoài việc cân chỉnh màu sắc thì còn phải vẽ nhiều lớp màu để đảm bảo đủ sắc độ và tạo chiều sâu cho tranh. Vậy nên những khó khăn cứ lặp từ ngày này qua ngày khác. Cũng may mắn được sự đồng hành, góp ý và động viên của mọi người nên mọi chuyện diễn ra tốt đẹp", Sĩ nói.

Bức vẽ vòm chính diện ở nhà thờ giáo xứ Tam Tòa hiện nay là bức lớn nhất, cũng là bức "để đời" đối với Sĩ. "Quá trình làm thực sự có áp lực, nhưng mình đã rất cẩn thận và nghiên cứu kỹ, khi vẽ thì vận dụng hết kỹ năng. May mắn là khi tranh hoàn thiện cũng có nhiều người thích thú", Sĩ khiêm tốn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.