Tác phẩm mới ra mắt độc giải Việt Nam Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật được viết bởi Neil MacGregor - nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009). Ông là sử gia nghệ thuật và biên tập viên kỳ cựu của Burlington Magazine (1981-1987), từng làm Giám đốc phòng trưng bày Quốc gia London (1987-2002) và Giám đốc Diễn đàn Humboldt, Berlin (đến năm 2018).
Cuốn sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật (do Nguyễn Tuấn Bình dịch) gồm 20 phần, mỗi phần 5 chương, mỗi chương tương ứng với 1 hiện vật. Tác phẩm này là bản ghi chép từ chương trình trên đài BBC Radio 4, được phát thanh vào năm 2010, như một hoạt động đổi mới liên tục của Bảo tàng Anh, mang lại cho bảo tàng giải thưởng Bảo tàng của năm (Art Fund Prize 2011).
Sách được trình bày theo nhóm 5 hiện vật thành một mục, xoay quanh những địa điểm khác nhau trên địa cầu vào cùng thời điểm, quan sát 5 lát cắt của thế giới thông qua các hiện vật ở niên đại cụ thể đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của loài người qua việc kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Anh.
"Đưa chúng ta đến mọi ngóc ngách của thế giới"
Theo tác giả: "Năm 1948, hàng chục mảnh đồ gốm vụn vặt đã được một người đi tuần trên biển phát hiện tại chân vách đá Kilwa ở Tanzania (chương 60). Chúng, hoàn toàn theo nghĩa đen, là rác: những mảnh đồ bếp núc vỡ vụn bị quẳng đi và chẳng còn có ích gì cho bất kỳ ai. Nhưng khi thu gom chúng lại ông bắt đầu nhận ra rằng bên trong những mảnh nồi niêu ấy phơi bày ra câu chuyện Đông Phi cả ngàn năm trước.
Quả thật, việc khảo xét tính đa dạng của chúng hé lộ toàn bộ lịch sử Ấn Độ Dương, bởi ngay khi chúng ta quan sát tỉ mỉ, rõ ràng những mảnh vỡ này đến từ nhiều địa điểm khắp nơi trên thế giới. Mảnh vỡ men lục và men lam rõ ràng là những mảnh sứ sản xuất với số lượng khổng lồ từ Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu. Những mảnh khác mang theo nét trang trí Hồi giáo và đến từ Ba Tư hoặc vùng Vịnh. Còn một số mảnh lại có xuất xứ từ đồ đất nung do người bản địa Đông Phi làm ra”.
Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật không đi sâu vào các sự kiện “ồn ào” trong tiến trình phát triển của loài người, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ lao động. Qua đó, tác giả mang đến sức sống mới cho nhiều nền văn minh trên thế giới mà đến nay tàn tích của chúng còn lại không nhiều, chẳng hạn như nền văn minh Moche - một nền văn minh phát triển ở Peru từ năm 200 TCN đến năm 650 nhưng giờ đây không còn lại gì ngoài các di tích khảo cổ.
Theo The Times, tác phẩm được Tom Holland nhận xét: "Cuốn sách tuyệt vời này đưa chúng ta đến mọi ngóc ngách của thế giới". Còn Libby Purves cho rằng "Tác giả đã giúp chúng ta hiểu tường tận về những tổ tiên xa xưa, những chủng tộc cổ đại, những người hùng, những tên man mọi và những kẻ mộng mơ của nhiều thế kỷ đã qua".
Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình (Bình Book) vốn là giảng viên chuyên ngành Thiết kế cầu - bộ môn cầu hầm (Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội). Anh sống tại Hà Nội. Hiện nay anh không chỉ là dịch giả mà còn là nhà bán sách online nổi tiếng với thương hiệu Bình Book.
Theo Nguyễn Tuấn Bình: "Thông qua góc nhìn của MacGregor, lịch sử là chiếc kính vạn hoa - biến ảo, đan cài, luôn gây bất ngờ và tạo nên một thế giới mà trước nay ta chưa hình dung ra. Chẳng hạn như một cột đá lại kể ta nghe về vị hoàng đế Ấn Độ thuyết giảng về lòng khoan dung đối với thần dân; hay chiếc mũ trụ trong ngôi mộ thuyền Sutton Hoo lại khiến chúng ta nhận ra rằng sử thi Beowulf vừa là sáng tạo thi ca, vừa là ký ức vẹn nguyên về một thế giới huy hoàng trong quá khứ".
Bình luận (0)