Steinbeck từng cho biết: "Nó (Phía đông vườn địa đàng) chứa đựng mọi thứ mà tôi có thể học được về những mánh khóe hoặc ngón nghề trong ngần ấy năm", và "Tôi nghĩ mọi thứ mà tôi viết trước đây, theo một nghĩa nào đó, đều là luyện tập để dành cho quyển sách này". Phía đông vườn địa đàng là tác phẩm tham vọng và quan trọng nhất mà tác giả đã tạo ra trong suốt 11 năm thai nghén, dày gần 750 trang, viết bằng 25 tá bút chì và mất 1 năm viết không ngừng nghỉ.
Những sự sa ngã
Ra mắt vào năm 1953, lấy bối cảnh thung lũng Salinas, California (Mỹ), cuốn sách là áng sử thi xoay quanh hai gia đình suốt 3 thế hệ, khởi đầu từ cuộc nội chiến Mỹ cho đến vài năm sau Đệ nhất thế chiến. Trong khi nhà Sam Hamilton nhập cư từ Ireland chăm chỉ làm việc trên một mảnh đất khó lòng sinh lợi, thì nhà Adam Trask lại sở hữu một chốn "thiên đường" nhờ món gia sản cha mình để lại. Thế nhưng số phận luôn luôn trêu ngươi, nó muốn trung hòa cũng như quân bình tất cả cơ hội, liệu rồi số phận của hai gia đình sẽ đi về đâu?
Ngay từ cốt truyện ban đầu, Steinbeck đã tạo ra thế đối nghịch rồi sẽ rẽ nhánh vô cùng phức tạp. Trong tác phẩm này, những cặp mâu thuẫn hiện ra rất rõ. Đó là ranh giới mong manh giữa thiện và ác, giữa lao động và biếng lười, giữa đạo đức và bất tuân, giữa niềm tin và báng bổ… Thành viên của hai gia tộc rồi sẽ kế thừa những tội tổ tông trong suốt quãng đời của từng người một. Điều ấy đã được quy định tận trong bản chất, khi họ chọn tiền tài thay vì hạnh phúc. Họ ghen ghét, đố kỵ và chỉ thường trực nhìn thấy mặt xấu của người còn lại...
Đó là vấn đề mang tính phổ quát, và cũng có thể là lý do vì sao Steinbeck đã bám theo câu chuyện trong Sáng thế ký về giai thoại tương đối quen thuộc của Cain với Abel hay của Adam với Eve... để viết nên tác phẩm này. Cain giết em trai vì Chúa đã không chọn mình, điều đó rồi sẽ lặp lại ở hai thế hệ nhà Trask. Còn tích Eve ăn trái cấm để rồi bị đuổi khỏi vườn địa đàng được thể hiện trong sự đối nghịch giữa hai người phụ nữ, trong khi Liza nhà Hamilton một đời kính Chúa thì an yên sống, còn Katy nhà Trask lại là nhân vật có sức ám ảnh về mặt nội tâm khiến độc giả không ngừng rùng mình vì sự tàn bạo mà ả sở hữu.
Con người trong tác phẩm này đã bị ru ngủ bởi những tội lỗi. Họ không biết "không món quà nào mua lại được tình yêu của kẻ khác khi ta đã vứt bỏ tình yêu đối với bản thân". Thế nhưng Steinbeck cũng đã chất vấn về một câu hỏi lớn: Liệu cái thiện có được đánh thức nếu như cái ác không hề tồn tại? Và ở ngã ba giữa tội lỗi tổ tông và cái thiện tỉnh thức, liệu người phàm trần có thể chọn đúng để tránh đời mình mãi mãi nhơ nhớp như vũng bùn sâu nếu có cơ hội?
"Sân khấu" của con người
Theo Steinbeck, điều đó hoàn toàn có thể. Đó chính là từ "timshel" trong tiếng Do Thái mà cả Sam và Adam cùng nhau tìm thấy trong Sáng thế ký vốn có nghĩa là "ta có thể". Có thể chuyển biến được tội tổ tông, có thể biến đổi tội lỗi nguyên bản thành ý thức thiện lành… Dù là tác phẩm phơi bày tội lỗi con người, thế nhưng cho đến sau cuối, chủ nghĩa nhân văn rồi sẽ xuất hiện, khơi gợi một niềm hy vọng. Bởi "Mọi tạp chất cháy hết, sẵn sàng cho ánh rực rỡ, và để được như thế... phải thêm lửa. Khi ấy hoặc là đống xỉ quặng, hoặc là hoàn hảo". Thử thách chính là ngọn lửa mà qua đó một con người mới sẽ được tạo ra khi y tìm thấy tính thiện bên trong người mình, thay vì là đống xỉ quặng ngập tràn tội lỗi.
Steinbeck cũng cho thấy mình là một tác giả có sức sáng tạo cuồn cuộn, khi dẫu bám theo cốt truyện đã rất quen thuộc của Sáng thế ký, thì các nhân vật cũng như câu chuyện được ông phái sinh đều rất bất ngờ. Đó là cái ác đi đến tận cùng, là sự tàn bạo không thể tưởng tượng, là trò khôn lỏi tưởng rất thông minh nhưng cho đến cuối lại là thua cuộc... Việc từ chối đi theo những khuôn mẫu truyền thống giữa thiện và ác đã khiến tác phẩm trở nên giá trị, chân thật và không mang đến cảm giác rao giảng dẫu chủ nghĩa nhân văn và đức tin tôn giáo luôn tràn ngập khắp các trang văn.
Với độ dài lớn, Steinbeck qua tác phẩm này cũng làm rõ được những biến động thời cuộc và những thay đổi của xã hội Mỹ buổi giao thời, từ thời kỳ "con ngựa, cái cuốc" đến thời đại cơ khí, tư bản chủ nghĩa. Ngoài ra nhân vật của ông không hề phiến diện, mà qua sự tương tác cũng như tương phản giữa những cá thể có niềm tin và ý thức hệ khác nhau, họ đã hiện lên một cách nổi trội và rất mê hoặc. Nếu Shakespeare nói thế giới này là sân khấu lớn, thì Steinbeck là nhà viết kịch đã nắm bắt được những xung động ngầm, từ đó tái hiện những sự phức tạp cũng như phong phú của những lựa chọn và tính cách người.
Phía đông vườn địa đàng có thể nói là tác phẩm đồ sộ, tham vọng và đầy chân thật của John Steinbeck. Ở đó ông đã tái hiện lại những cá thể vô cùng khác biệt, để rồi phơi bày bản chất con người một sáng rõ, đồng thời gửi gắm rất nhiều thông điệp mang tính nhân văn về tình thân, tình yêu, đức tin, hy vọng và sự tha thứ trong áng sử thi về tội lỗi và hy vọng.
John Steinbeck (1902 - 1968) là một trong những tượng đài của văn học Mỹ từ thập niên 1930. Văn chương của ông lấy chủ đề trung tâm là phẩm giá trầm lặng của những người cùng khổ, người bị áp bức. Dù những nhân vật của ông thường bị vây bọc trong thế giới thiếu công bằng, họ vẫn giữ mình như là những con người đầy cảm thông và có anh hùng tính. Năm 1962, ông nhận giải Nobel Văn chương và qua đời 6 năm sau đó.
Bình luận (0)