Vén màn che phủ nghệ thuật Đông Dương

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/01/2024 07:18 GMT+7

Cuốn Nghệ thuật hiện đại Đông Dương cung cấp tư liệu sống động, có tác động đáng kể tới việc vén màn che phủ về Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng như các họa sĩ thành danh từ đây.

Nhân duyên từ thú thưởng trà

Trên tấm phông của buổi ra mắt sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương (ngày 11.1, tại Hà Nội) có in hình bức tranh Thưởng trà của danh họa Lê Phổ. Tác phẩm này đánh dấu sự mở đầu cho việc nghiên cứu nghệ thuật hiện đại Đông Dương của tác giả Charlotte Agutte - Reynier. "Năm 2014, trong một lần gặp gỡ tình cờ, vào một buổi tối mưa gió, tại Q.17, TP.Paris, tôi thấy mình đứng trước tác phẩm Thưởng trà của Lê Phổ, một bức tranh lụa tuyệt đẹp. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về bức tranh này, về họa sĩ, sự nghiệp của ông... và tìm thấy niềm đam mê trong đó", bà Charlotte Agutte - Reynier, Phó giám đốc Nhà đấu giá Aguttes, cho biết.

Vén màn che phủ nghệ thuật Đông Dương- Ảnh 1.

Nữ tác giả ký tặng sách tại Hà Nội

TRINH NGUYỄN

Thưởng trà, sau đó đã dẫn lối cho bà Charlotte Agutte - Reynier đi khắp nơi để tìm hiểu về nghệ thuật Đông Dương, dù trước đó bà từng tổ chức đấu giá tranh của Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Thời điểm đó, theo bà, không ai trên thị trường thực sự quan tâm tới chủ đề nghệ thuật hiện đại Đông Dương. Việc nghiên cứu dẫn dắt bà tới những kho lưu trữ, chủ nhân các bộ sưu tập, các cá nhân thân thiết và gia đình các nghệ sĩ... để tìm hiểu thời kỳ mỹ thuật đó.

Trong sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương (ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt, NXB In Fine éditions d'art), bà Charlotte Agutte - Reynier chia sẻ: "Trong 9 năm qua, tại Aguttes, đã có khoảng hơn 150 tác phẩm của Mai Trung Thứ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm được mang tới cho tôi giám định và bán đấu giá". Nhưng những nghiên cứu của bà không dừng ở các tác giả này. Bà còn nghiên cứu cả những tác phẩm, tác giả nổi bật của nghệ thuật hiện đại Đông Dương mà Nhà đấu giá Aguttes không hề có tranh, tượng để bán như Tô Ngọc Vân hay Georges Khánh...

Vén màn che phủ nghệ thuật Đông Dương- Ảnh 2.

Cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương sử dụng 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt

BTC

Vén màn che phủ

Cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương cho thấy nhiều tư liệu bà Charlotte Agutte - Reynier đã tìm kiếm tại nhiều kho lưu trữ tại Pháp. "Phần thứ nhất của cuốn sách về lịch sử nghệ thuật hiện đại Đông Dương, tôi hoàn toàn tìm kiếm thông tin từ các bài báo đăng tải thời kỳ đó. Phần 2 về sự nghiệp của các họa sĩ tiêu biểu, tôi sử dụng tư liệu các tác phẩm của Aguttes bán đấu giá trong 10 năm, một số tư liệu của các nhà đấu giác khác. Tôi cũng nhờ các gia đình họa sĩ đọc và chỉnh sửa bổ sung", bà nói.

Chính vì thế, trong sách có những tư liệu về các triển lãm liên quan Trường cao đẳng (CĐ) Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội (còn có tên khác trong sách là Trường đại học (ĐH) Mỹ thuật Hà Nội). Bản tin của Đông Dương Kinh tế cục năm 1929 có đoạn: "Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội trưng bày một loạt tranh kakemono (tranh cuộn kiểu Nhật), thu hút sự chú ý của công chúng nhờ những cảm xúc trong tranh và cách thể hiện gương mặt, cử chỉ. Một số chủ đề rất cảm động như bức tranh vẽ một bà lão đang chống gậy, bước đi những bước loạng choạng, trong khi một đứa trẻ đang dang đôi tay hướng về hình ảnh già cỗi này". Bà Charlotte Agutte - Reynier đánh giá đây là những đánh giá tích cực của giới phê bình thời đó khi trưng bày được tổ chức tại Paris.

Các họa sĩ nổi bật của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương cũng được bà xây dựng lý lịch nghệ thuật, mô tả tác phẩm cụ thể. Chẳng hạn, thành công của Mai Trung Thứ, theo bà đã được tiên đoán từ sớm. Năm 1929, tác giả Yvonne Schultz đã đánh giá tranh ông như sau: "Ông sẽ làm rạng danh Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương và trường phái An Nam".

Những nghiên cứu của bà Charlotte Agutte - Reynier cũng có tác động đáng kể tới việc vén màn che phủ về Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương cũng như các họa sĩ thành danh từ đây. Thậm chí, theo bà, nhiều tác phẩm mỹ thuật hiện đại Đông Dương được các nhà sưu tầm mua với giá rẻ trong khoảng thời gian 1995 - 2010 đã được bày bán trở lại sớm hơn dự kiến tại thị trường nội địa châu Á. Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của bà là hỗ trợ thông tin cho các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập tác phẩm của thời kỳ này, trong hoàn cảnh tranh giả mỗi lúc một nhiều hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.