Những ngày qua, mới đầu mùa mưa mà đã có hàng chục vụ sạt lở đất, ta luy xảy ra khắp các phường trên địa bàn Đà Lạt, nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám khiến 2 người chết, 5 người bị thương, nhiều nhà cửa bị sập và hư hỏng.
Mất cân bằng trong quy hoạch
Liên tiếp trong 2 buổi chiều 23 - 24.6 vừa qua, cảnh ngập lụt diễn ra khắp nơi ở khu trung tâm thành phố, các khu dân cư như: Golf Valley, Yersin, Mạc Đĩnh Chi, Vườn hoa Đà Lạt…; còn suối Phan Đình Phùng, Cam Ly, Phạm Hồng Thái, hạ lưu hồ Mê Linh… bị quá tải, khiến nhiều nhà dân bị ngập nước, hư hại tài sản.
Lý giải cho chuyện ngập lụt ở Đà Lạt, một chuyên gia xây dựng từng tham gia thiết kế dự án suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly (khoảng 15 năm trước), cho biết khi thiết kế, các kỹ sư và cơ quan chức năng chưa hề nghĩ tới nước mưa từ các nhà kính (chủ yếu trồng rau, hoa) tuôn ra suối.
Theo vị chuyên gia này, lúc đó chỉ tính toán xác suất 10 năm 1 lần sẽ xảy ra tình trạng quá tải, nhưng những năm gần đây hễ có mưa to là các suối này bị quá tải, cho thấy việc quy hoạch chưa đúng. Khu Golf Valley có diện tích 20 ha, quy hoạch là công viên văn hóa đô thị, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện giờ chỉ thấy toàn "đô thị" chứ không thấy công viên. Đây là một trong những điển hình cho thấy sự mất cân bằng trong quy hoạch, bê tông hóa tăng cao, dẫn đến tình trạng ngập lụt.
Đà Lạt nóng lên, sạt lở, lũ lụt: 'Lỗi không chỉ của quy hoạch kiến trúc'
Chưa giám sát chặt?
Liên quan tình trạng xây dựng gây sạt lở đất mấy ngày vừa qua, kiến trúc sư Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng với đặc thù địa hình của Đà Lạt, không thể cấm việc xây dựng trên các đồi, triền đồi. Vấn đề ở đây là chuyện kỹ thuật, phải khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát chặt chẽ, đúng quy định thì sự cố mới không xảy ra. Tuy nhiên, Đà Lạt cũng cần đánh giá lại đặc thù địa hình, những vùng nào đất yếu thì có thể không cho xây dựng.
Về tình trạng sạt lở ta luy xảy ra liên tục, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho rằng trước hết về mặt chủ quan là các chủ đầu tư khi xây dựng các hạng mục công trình chưa tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, bởi qua kiểm tra các ta luy có sự cố, chủ yếu là do yếu tố kỹ thuật, không đảm bảo các giải pháp an toàn khi thi công. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng của người dân phục vụ sinh hoạt ngày càng nhiều, các khu vực bằng phẳng xây dựng rồi và giờ đến các triền dốc.
Ông Trung cho biết thêm, với địa hình đặc thù như Đà Lạt, phần lớn nhà nào cũng có ta luy, tùy vị trí ta luy ít hay nhiều và cao hay thấp. Vấn đề là chuyện an toàn công trình có được chủ đầu tư quan tâm hay không, cơ quan chức năng cấp phép có thẩm định an toàn hay không.
"Luật Xây dựng quy định chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và nếu cơ quan cấp phép sai cũng phải chịu trách nhiệm", ông Trung thông tin và cho rằng về khách quan, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đã đưa lại nhiều vấn đề tiêu cực. Mưa lớn, thời gian mưa kéo dài nên khi san gạt sẽ có tác động, cho nên việc thi công trong mùa mưa phải có giải pháp đảm bảo an toàn. Đà Lạt có nhiều độ dốc khác nhau, khi hình thành các công trình, mặt bằng tạo ra các bờ ta luy mà gặp mưa, nếu chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn thì sẽ gây sạt lở. Chính quyền cơ sở nếu làm tốt việc kiểm tra, giám sát thì sẽ hạn chế được tình trạng này.
Không phải do "ông trời"
Trả lời Thanh Niên, ông Lương Văn Ngự, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói thẳng: "Có do trời mà cũng tại ta! Ngày 23.6, cơn mưa khoảng 45 phút nhưng lượng mưa lớn. Trong khi Đà Lạt hiện có rất nhiều nhà lưới, nhà kính ở phía thượng nguồn, khiến mưa đổ tập trung rồi dồn về các khe suối, mương tạo dòng chảy lớn. Tiếp nữa, hệ thống thoát nước "có vấn đề", việc khơi thông cống rãnh không thường xuyên, nước thoát không kịp nên gây ngập".
PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, đánh giá trước đây, người Pháp quy hoạch Đà Lạt rất bài bản, việc quản lý xây dựng, kiểm soát khai thác tài nguyên thiên nhiên (rừng) rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Nhưng nay, rừng thông nội ô ngày càng thưa thớt, mật độ bê tông hóa ngày càng tăng, đến mức thiếu kiểm soát.
"Những ruộng xà lách xoong biến thành các khu dân cư đông đúc, nhiều đoạn khe, suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa; nhà màng, nhà kính phủ kín hai bên khe, suối và các thung lũng, triền đồi. Khi mưa xuống, nước từ nhà kính tuôn thẳng ra khe, suối và do khe, suối bị thu hẹp nên nước không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ", ông Sinh chia sẻ.
Xem nhanh 20h ngày 2.7: Khởi tố vụ án liên quan sạt lở ở Đà Lạt | Cá voi săn mồi xuất hiện ven bờ
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay sắp tới tỉnh sẽ cho khảo sát nạo vét lại hồ Mê Linh để thu bớt nước và điều tiết nước lúc trời mưa to, đồng thời phải mở rộng một số khe, suối. Hồ Than Thở đang nạo vét gần xong.
Còn ông Bùi Quang Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho hay trong khoảng 10 năm trở lại đây, thời tiết cực đoan hơn, lượng mưa lại nhiều nên gây ngập cục bộ một số khu vực tại đô thị Đà Lạt, nhất là những vùng trũng.
"Đà Lạt đã có quy hoạch đầy đủ hệ thống thoát nước trong đô thị (hướng từ hồ Vạn Kiếp, hồ Bạch Đằng dẫn ra suối Cam Ly; hướng từ hồ Chiến Thắng, Mê Linh, Than Thở, Đa Thiện cũng thoát ra suối Cam Ly), nên có thể thấy xảy ra ngập lụt là do hệ thống thu thoát nước, tiêu nước có vấn đề. Một phần do chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt một số hồ đã bị bồi lắng và một số hệ thống suối bị lấn chiếm đã làm thay đổi, hạn chế dòng chảy. Đồng thời, việc quản lý vận hành, chưa đảm bảo duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông thường xuyên", ông Sơn đánh giá.
Cũng theo ông Sơn, các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị; xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng nhằm khoanh vùng, cảnh báo các khu vực có nguy cơ chịu tác động và có giải pháp ứng phó; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị…
Đánh giá tổng thể địa chất cho Đà Lạt
Trả lời Thanh Niên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói thẳng: "Đà Lạt thực thi quy hoạch chưa tốt. Quy hoạch chung có rồi, đến việc triển khai quy hoạch phân khu yêu cầu phải cân đối giữa diện tích không gian xanh với diện tích xây dựng, sau đó đến quy hoạch chi tiết sẽ rõ hơn. Nhưng thực tế việc này chưa tốt. Trước đây, không gian xanh của Đà Lạt rất cao, lên đến 30 - 40% nhưng bây giờ có nhiều nơi không gian xanh quá ít. Ví dụ như ở trung tâm Khu Hòa Bình (không tính Đồi Cù, vì đã giao doanh nghiệp) hầu hết đã bê tông hóa, không còn không gian xanh".
"Bây giờ phải lưu ý chuyện trả lại những không gian xanh, đồng thời phải giải quyết chuyện nhà kính và những khu vực thiếu không gian xanh thì không cho bê tông hóa tiếp nữa", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý và viện dẫn trước năm 1975, Đà Lạt được quy hoạch diện tích không gian xanh rất lớn, đặc biệt còn có chuỗi hồ để điều tiết nước, nhưng bây giờ phần lớn các hồ này bị bồi lấp hoặc không còn. Giải pháp tốt nhất là Đà Lạt cần được đánh giá lại tất cả các quy hoạch, các quy hoạch đã được phê duyệt rồi cũng cần đánh giá lại tác động môi trường.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng nêu kiến nghị vì Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng có nhiều đặc thù về địa hình, địa lý, thổ nhưỡng, nên việc xem xét quy hoạch, đánh giá tác động môi trường ở đây cũng phải có đặc thù chứ không nên áp dụng chung khuôn mẫu quy chuẩn cho các vùng khác.
Lâm Viên - Gia Bình - Hiền Lương
Vụ sập ta luy ở Đà Lạt: Phá dỡ đoạn ta luy còn lại
Chiều 1.7, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết sau khi bàn bạc, thống nhất và được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, TP đã chủ động phá bỏ đoạn ta luy còn lại ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (P.10).
Ông Tú cho biết thêm, trong ngày chủ nhật (2.7), TP sẽ tiếp tục phá bỏ đoạn ta luy còn lại (chiều 1.7 mới phá được khoảng 7 m chiều dài, phần còn lại khoảng 10 m). "Việc phá dỡ là chủ động, TP đã lên phương án rất kỹ, chứ không phải sạt lở mới. Khi phá dỡ ta luy, đất đá đổ xuống kéo theo căn nhà đã hư hỏng trước đó ở phía dưới sập luôn. Việc này có trong phương án, TP đã làm việc với chủ nhà và chủ nhà đã thống nhất", ông Tú khẳng định.
Sau vụ sạt lở ngày 29.6, cơ quan chức năng đã phong tỏa toàn bộ hiện trường, nên người không có phận sự không được vào ra khu vực này.
Gia Bình - Lâm Viên
Bình luận (0)