Vì đâu dân Mỹ đang tổn thọ ?

22/07/2021 12:00 GMT+7

Tuổi thọ của người dân Mỹ đã giảm đi 1,5 năm xuống còn 77,3 tuổi trong năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2003, chủ yếu do những người chết vì đại dịch Covid-19 .

Đây là mức giảm lớn nhất trong một năm kể từ Thế chiến 2, khi tuổi thọ của người Mỹ giảm 2,9 năm trong giai đoạn năm 1942-1943. Mức tuổi thọ này cũng ngắn hơn 6 tháng so với ước tính hồi tháng 2.2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo ngày 21.7.
Báo cáo mới nhất này của CDC dựa trên dữ liệu tạm thời về số người tử vong tính từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020.
Reuters dẫn lời bà Elizabeth Arias, một nhà nghiên cứu của CDC và là người thực hiện báo cáo, cho biết: “Tuổi thọ của người Mỹ đang tăng dần mỗi năm trong vài thập niên qua. Sự sụt giảm trong giai đoạn năm 2019-2020 lớn đến mức khiến chúng ta quay trở lại mức tuổi thọ của năm 2003. Cứ như chúng ta đã mất một thập niên vậy".
CDC cho biết số ca tử vong do Covid-19 đóng góp 74% vào sự sụt giảm này. Ngoài ra, nạn sử dụng thuốc quá liều cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Chuyên gia cảnh báo đa số người Mỹ chưa tiêm vắc xin sẽ nhiễm Covid-19

Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (NCHS) của CDC tuần trước công bố dữ liệu tạm thời cho thấy số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở Mỹ đã tăng gần 30% vào năm 2020.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết sự chênh lệch về tuổi thọ giữa các giới tính và sắc tộc trở nên xa lệch hơn trong giai đoạn này. Tuổi thọ của người da đen giảm 2,9 năm xuống còn 71,8 tuổi vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Còn tuổi thọ của nam giới nói tiếng Tây Ban Nha giảm 3,7 năm xuống còn 75,3 tuổi, mức giảm lớn nhất so với bất kỳ nhóm người nào.
Chênh lệch về tuổi thọ giữa nam giới và nữ giới ở Mỹ cũng tăng lên vào năm 2020, với tuổi thọ dự kiến hiện nay của nữ giới đạt 80,2 tuổi trong khi tuổi thọ dự kiến của nam giới là 74,5 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.