Một giáo viên tại Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết, những ngày nghỉ vì dịch Covid-19 này, giáo viên vẫn thường xuyên phải lên trường để thực hiện các công tác như làm sổ sách, lên kế hoạch giảng dạy, dọn dẹp vệ sinh,... Do đó, việc nghỉ hầu như không tác động đến thu nhập hằng tháng.
Tuy nhiên, với những giáo viên của trường tư thì có thể bị cắt các khoản trợ cấp, chỉ được nhận lương cơ bản, thậm chí có nơi còn cắt luôn lương cơ bản vì... tình hình khó khăn. Nếu tình hình nghỉ dài ngày hơn, nhiều phương án đã được đưa ra sẽ tạm nghỉ không lương.
Bên cạnh đó, một số công nhân trong các xưởng cũng được cho nghỉ vì cơ sở sản xuất không có nguyên liệu sản xuất hay đơn hàng trong mùa dịch Covid-19 này. Nhiều tiếp viên hàng không cũng bị cắt chuyến vì tạm ngưng các đường bay đến Trung Quốc. Vậy công nhân, tiếp viên hàng không, giáo viên hay nhiều nhóm ngành khác, nếu nghỉ vì dịch Covid-19 có được hưởng nguyên lương?
Luật sư nói gì?
Thạc sĩ, luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Giám đốc Công ty TNHH Dân luật) cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động quãng thời gian công nhân, giáo viên, nhân viên nhà trường học nghỉ làm do dịch Covid-19 được xác định là quãng thời gian ngừng việc.
|
Còn riêng với tiếp viên hàng không, vì cách tính của mỗi hãng là khác nhau nên khi bị cắt chuyến, có thể tiếp viên không nhận được lương của giờ bay đó, nhưng lương cơ bản hằng tháng vẫn được nhận đủ.
LS Thư phân tích, Bộ luật Lao động 2012 quy định việc trả lương trong thời gian ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.“Thời gian giáo viên và nhân viên trường học nghỉ theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem là thời gian ngừng việc nhưng không do lỗi của giáo viên và trường học, mà do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh Covid-19 nên tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”, LS Thư phân tích.
|
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 90/2019 có 4 mức là 4.420.000 đồng, 3.920.000 đồng, 3.430.000 đồng, 3.070.000 đồng trên 1 tháng tương ứng từng vùng I, II, III, IV.
Thời gian giáo viên và nhân viên trường học nghỉ theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem là thời gian ngừng việc nhưng không do lỗi của giáo viên và trường học, mà do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh Covid-19 nên tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Với những công nhân làm việc trong các xưởng được ký hợp đồng lao động thì cũng được hưởng lương cho thời gian ngưng việc vì dịch bệnh với mức không thấp hơn lương tối thiểu vùng giống giáo viên. LS Huỳnh Công Thư
|
Đặc biệt, một số công nhân làm trong các xưởng nhỏ, lẻ không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ là hợp đồng mùa vụ thì bên sử dụng lao động có quyền không chi trả lương trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, LS Thư cho rằng, tại một số trường tư việc được hưởng lương trong thời gian ngừng việc này có thể được xem xét dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, họ có nhiều giải pháp để có lợi cho người lao động, ví dụ như chọn cách tính ngày nghỉ vì dịch bệnh Covid-19 vào ngày phép năm để giáo viên, nhân viên được hưởng trọn lương theo quy định Điều 111 Bộ luật Lao động 2012.
Trao đổi với phóng viên, một tiếp viên hàng không cũng cho biết việc cắt các chuyến bay không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nhóm ngành tiếp viên. Bởi vì các tiếp viên được sắp xếp bay nhiều điểm khác nhau, trong khi chỉ cắt các đường bay đến Trung Quốc. Vào thời gian cắt chuyến bay, tiếp viên ngồi trực chờ có sự điều động đột xuất thì sẽ đi bay.
Do đó, trong mùa dịch Covid-19, những tiếp viên có hợp đồng lao động chính thức đều được hưởng nguyên lương.
Bình luận (0)