Vì đồng bào ruột thịt

17/10/2021 08:10 GMT+7

Hai tiếng “đồng bào” sao mà nó thân thương và gần gũi quá! Thân thương đến mức mỗi lần nghe ai nhắc đến, mọi người đều nhớ giọng Hồ Chủ tịch “Hỡi đồng bào cả nước” khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập vào sáng 2.9.1945.

Trong những ngày cả nước tập trung phòng chống đại dịch Covid-19, 2 tiếng “đồng bào” lại càng thắm thiết hơn bao giờ hết.

Đồng lòng khi “dầu sôi lửa bỏng”

Trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã từng xảy ra nhiều thiên tai địch họa, nhưng chưa bao giờ dịch bệnh diễn ra khủng khiếp như đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đương đầu với vi rút SARS-CoV-2 liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới với tốc độ lây lan kinh hoàng.

Các chiến sĩ bộ đội đưa thực phẩm đến các hộ dân khó khăn ở TP.HCM

ĐÀO NGUYÊN

Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng”, Đảng và Nhà nước ta đã kêu gọi toàn dân, toàn quân hãy hết sức bình tĩnh, giữ vững tinh thần, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ, dồn hết nỗ lực vào chống dịch như chống giặc. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Với phương châm “Tất cả vì đồng bào ruột thịt, vì sức khỏe và tính mạng của đồng bào”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường cho TP.HCM và các tỉnh phía nam nhiều cán bộ, y bác sĩ, tình nguyện viên, bộ đội, công an với quyết tâm sớm kiểm soát cho được dịch bệnh. Có thể nói đây là cuộc “tổng tấn công” dũng mãnh, thần tốc gồm lực lượng tại chỗ kết hợp lực lượng tăng cường phòng chống dịch.

Ngoài chữa bệnh, các thầy thuốc còn có nhiệm vụ động viên, an ủi, chia sẻ với bệnh nhân về những mất mát đau thương, đúng theo tinh thần “lương y như từ mẫu”. Riêng lực lượng quân đội cùng với sứ mệnh chống dịch còn có nhiệm vụ phục vụ an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng nhà và đi chợ thay cho dân trong thời gian cách ly...

Anh Vũ Quốc Cường, một nhà thiện nguyện đắc lực đã nằm xuống vì nhiễm Covid-19

BTN

Ngọn lửa tình người

Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Đạo lý “nhường cơm xẻ áo”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… đã thấm sâu vào các gia đình, dòng tộc, thôn xóm và cộng đồng người Việt.

Tinh thần nghĩa hiệp ấy đã được hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ, đặc biệt là được nhân lên và tỏa sáng trong những lúc đất nước nguy nan, hay đối mặt khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. Càng khó khăn, gian khổ, nhân dân ta càng mở rộng trái tim nhân ái để hỗ trợ, giúp đỡ cho nhau.

Lúc sinh thời, Bác Hồ thường dạy: “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Sau Cách mạng tháng 8.1945, Bác Hồ đã kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa, lấy gạo cứu giúp đồng bào”. Phát huy tình cảm cao đẹp đó, trong cuộc ra quân lần này, bộ đội Cụ Hồ đã khẳng định: “Chúng ta chống dịch bằng mệnh lệnh của trái tim người lính”. Ôi, đẹp biết bao và tự hào biết bao!

Trong cơn đại dịch này, con người đã xích lại gần nhau hơn, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng sâu đậm hơn. Đó là những thứ tình cảm thiêng liêng bắt nguồn từ trái tim nhân hậu của con người. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, ai ai cũng bươn chải mưu sinh, nhưng tất cả đều không quên nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền các cấp đã hết lòng chăm lo cho người nghèo, cơ nhỡ, thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng chia lửa bằng cách gởi tiền vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, mua tặng trang thiết bị y tế phòng chống dịch... Kiều bào ở nước ngoài cũng hưởng ứng tích cực.

Đó chính là “ngọn lửa tình người”, vừa ấm áp, yêu thương, vừa cảm động rưng rưng. Và món quà tặng nào cũng mang nhiều ý nghĩa, có tác dụng như những liều vắc xin tinh thần giúp người nhận có thêm động lực và niềm tin để vượt qua đại dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.