Vì niềm vui đến trường

05/09/2015 04:47 GMT+7

Hôm nay là ngày khai giảng đồng loạt của các trường. Nhưng từ mấy ngày nay, khai giảng đã là chủ đề trong mỗi bữa cơm chiều của gia đình tôi. Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện tập dượt cho ngày khai giảng, đến các con sẽ phải ngồi bao lâu và có bị nắng nhiều không?

Hôm nay là ngày khai giảng đồng loạt của các trường. Nhưng từ mấy ngày nay, khai giảng đã là chủ đề trong mỗi bữa cơm chiều của gia đình tôi. Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện tập dượt cho ngày khai giảng, đến các con sẽ phải ngồi bao lâu và có bị nắng nhiều không?

Tuy không nói rõ ra cho các con, nhưng điều tôi luôn phấp phỏng là ngày khai trường các con có được vui thực sự, hay chỉ là một thủ tục phải đáp ứng?
Rộng hơn ra, trong suốt cả năm học, điều tôi quan tâm nhất cũng vẫn là các con đi học có vui không? Vì thế, trong bữa tối, câu hỏi thường xuyên nhất của tôi với con mình là: “Con hôm nay ở trường có gì vui?”. Và sau đó là hồi hộp đón câu trả lời.
Ở trường có gì vui, câu hỏi tưởng chừng như thừa thãi vì khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được kẻ vẽ khắp nơi. Nhưng có con đi học, nhất là học ở các trường công, thì mới thấy từ khẩu hiệu đến thực tế còn xa nhau một trời một vực.
Có thể vì lịch học dày đặc và nặng nề đã tước đi hầu hết niềm vui của con trẻ đến trường. Nhưng cũng có thể niềm vui đã không còn đất để sinh sôi, khi điểm số, thành tích và sự tuân thủ là những ưu tiên hàng đầu...
Niềm vui rất dễ tạo ra. Ngay trẻ nhỏ còn nằm trên tay cũng biết vui cười. Niềm vui không đòi hỏi phải có nhiều cơ sở vật chất hỗ trợ. Những người nghèo nhất cũng có nụ cười của riêng họ. Nhưng niềm vui đòi hỏi một kết nối giữa người và người vì không ai có thể tự vui cười một mình cả, và cần một không gian tự do để con trẻ khám phá và thể hiện mình. Chính trong sự kết nối, khám phá và thể hiện này mà con trẻ trưởng thành, cả tri thức và nhân cách.
Nhưng việc tạo ra một không gian như thế không phải dễ. Nó đòi hỏi các thầy cô giáo một sự dũng cảm gạt bỏ bệnh hình thức, nếu có, để tạo ra một khoảng sáng tạo cho riêng mình, để rồi từ đó sẽ nảy nở ra những không gian tự do nho nhỏ cho học sinh của mình.
Nó cũng đòi hỏi các bậc phụ huynh phải đồng hành cùng với con mình, để khi thấy việc học hành trở thành một sự chịu đựng, thì có phản ánh với nhà trường để điều chỉnh kịp thời. Nếu không, cũng giúp con nhìn thẳng vào sự thật: Đây là một khó khăn, dù vô lý, cũng phải vượt qua, thay vì để con hoang mang trong khó nhọc.
Vì thế, khi năm học mới bắt đầu, mong ước của tôi không phải là điểm số hay những tấm bằng khen thành tích, mà chỉ là một điều đơn giản: Trong mỗi bữa cơm chiều, khi hỏi hôm nay ở trường con có gì vui, thì câu trả lời là những líu lo của con trẻ về một ngày đầy tiếng cười với thầy cô và bạn bè ở trường lớp.
Và tôi cũng mong ước, những líu lo cười nói ấy không chỉ đến với gia đình tôi, mà còn với mọi gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.