Vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, không biết quy trách nhiệm cho ai

Anh Vũ
Anh Vũ
27/11/2019 10:00 GMT+7

Rất nhiều dự án vi phạm trật tự xây dựng , kéo dài giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng khi xử lý thì không biết trách nhiệm của ai, còn chế tài thì du di, phạt cho tồn tại.

Đó là lo ngại của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường sáng 27.11 về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều về dự án luật Xây dựng sửa đổi.
Trước đó, luật Xây dựng đã thực thi được 4 năm nhưng bộc lộ nhiều hạn chế, Chính phủ có tờ trình xin Quốc hội kỳ họp thứ 8, khóa 14 cho ý kiến lần đầu.
Khi thẩm tra dự luật, Uỷ ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.
Thảo luận tại hội trường, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân dẫn lại một loạt dự án vi phạm về trật tự xây dựng thời gian qua, như công trình 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội)… Những dự án này, theo đại biểu Nhân, vi phạm kéo dài giữa thanh thiên bạch nhật, khi xử lý thì chậm trễ gây bức xúc trong dư luận.
“Việc du di phạt cho tồn tại, quy hoạch chạy theo dự án, như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ”, ông Nhân lo lắng.

Nhiều dự án xây dựng vi phạm nhưng cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý

Ảnh Đình Sơn

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại hội Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu được sửa đổi, luật này sẽ tháo các nút thắt lớn trong dự án đầu tư công đang triển khai rất chậm, ách tắc thời gian qua.
Song đại biểu Cường cũng cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm trong quản lý xây dựng từ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đến chủ đầu tư.
“Vừa rồi vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai. Kẽ hở trách nhiệm này của UBND tại địa phương hay thanh tra xây dựng. Hai việc này rất lập lờ, chồng lấn”, ông Cường nói, và đề nghị trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng phải là cơ quan chính quyền ở địa phương.
Còn thanh tra xây dựng khi phát hiện sai phạm thì vào cuộc, để sai phạm tiếp tục xảy ra, không xử lý được cũng phải quy trách nhiệm cho thanh tra. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.