Các báo Anh là The Telegraph và Financial Times hôm 27.8 đưa tin các quan chức London đã bí mật yêu cầu Mỹ bật đèn xanh vào mùa hè 2024. Nhưng Ukraine vẫn chưa được phép để phóng loại tên lửa hành trình do Anh và Pháp sản xuất vào các mục tiêu bên trong nước Nga, dù cả London và Paris đều ủng hộ.
Telegraph và Financial Times đều giải thích rằng cần có Mỹ tham gia quyết định này, vì các cuộc tấn công bằng Storm Shadow của Ukraine cần dựa vào năng lực của Washington.
Financial Times dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết các tên lửa cần có thông tin tình báo và trinh sát của Mỹ để tránh bị Nga gây nhiễu GPS.
The Telegraph thì viết rằng các tên lửa Storm Shadow hoạt động song song với “các hệ thống mật của Mỹ”.
Việc Công đảng thay thế chính phủ đảng Bảo thủ vào tháng 6 cũng có tác động. Chính phủ Anh trước đó thường đi đầu trong việc thúc đẩy phương Tây cung cấp nhiều vũ khí, trang thiết bị tiên tiến và đạn dược và cho Ukraine.
Nhưng theo The Telegraph, chính phủ mới của Thủ tướng Anh Keir Starmer đang chọn “cách tiếp cận mang tính tham vấn” hơn với Mỹ. Washington thường quyết định chậm hơn các đồng minh châu Âu trong việc cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Kyiv.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã nêu ra những lo ngại về leo thang căng thẳng với Nga nếu Mỹ cung cấp thêm các loại đạn dược tầm xa và có sức tàn phá lớn cho Kyiv.
Tên lửa Storm Shadow, được phóng từ trên không và có tầm bắn khoảng 250km, được ca ngợi là một trong những công cụ hiệu quả nhất của Ukraine trong cuộc chiến.
Hồi tháng 6.2023, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là ông Ben Wallace nói tên lửa này được Ukraine sử dụng với “độ chính xác và khả năng phóng thành công... hầu như không gặp lỗi”.
Trong khi đó, Nga đã hạ thấp tác động của Storm Shadow trên chiến trường. Tổng thống Vladimir Putin cho hay tên lửa này không gây ra thiệt hại “nghiêm trọng” nào. Bộ Quốc phòng Nga cũng nhiều lần thông báo đã bắn hạ Storm Shadow trên đường bay tới mục tiêu.
Anh đã cho phép Ukraine tấn công tàu chiến và cơ sở hải quân của Moscow tại bán đảo Crimea bằng tên lửa Storm Shadow vào năm 2023, đánh dấu bước ngoặt về sự ủng hộ lớn đầu tiên của phương Tây đối với các cuộc tấn công sâu vào hậu phương của Nga.
Ukraine bắn tên lửa Storm Shadow vào tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea
Sau đó, Washington đã gửi cho Kyiv các tên lửa ATACMS tầm xa của mình, nhưng cho đến nay vẫn hạn chế Ukraine bắn vũ khí tiên tiến vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây tiếp tục thúc giục Mỹ và Anh dỡ bỏ lệnh cấm trong tuần này. Ông nói lệnh cấm đã trở thành một trở ngại nghiêm trọng khi Nga thả bom lượn và phóng máy bay không người lái đến Ukraine.
Pháp cũng cung cấp cho Ukraine phiên bản Storm Shadow của mình, có tên gọi SCALP EG. Paris đã ủng hộ việc cho phép Kyiv tấn công sâu vào Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói tình hình hiện tại chẳng khác gì cung cấp tên lửa hiện đại cho Ukraine “nhưng Kyiv lại không thể tự vệ”.
Bình luận (0)