Vì sao bạo lực học đường ở Hậu Giang có xu hướng tăng cao?

24/05/2024 10:09 GMT+7

Trong 5 năm gần đây, năm học 2023-2024, tỉnh Hậu Giang ghi nhận tình trạng bạo lực học đường xảy ra nhiều nhất với 31 vụ, làm 19 học sinh bị tổn hại về thể chất.

Thông tin trên được Sở GD-ĐT Hậu Giang đưa ra tại hội thảo về giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học trên địa bàn diễn ra mới đây.

Vì đâu nên nỗi?

Theo thống kê, trong 5 năm học (2019-2020 đến 2023-2024), Sở GD-ĐT Hậu Giang ghi nhận 99 vụ bạo lực học đường với 262 học sinh liên quan. Trong số này, có 96 nữ sinh tham gia, 56 học sinh bị tổn hại về thể chất.

Vì sao bạo lực học đường ở Hậu Giang có xu hướng tăng cao?- Ảnh 1.

Một nữ sinh bị đánh hội đồng tại Trường THCS Vị Đông (H.Vị Thủy, Hậu Giang) vào tháng 9.2023 và quay clip đăng trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Kể từ năm học 2022-2023, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng tăng cao, gấp đôi các năm trước. Đặc biệt, năm học 2023-2024, tỉnh ghi nhận con số "kỷ lục" 31 vụ với 94 học sinh liên quan (31 học sinh nữ và 19 học sinh bị tổn hại về thể chất).

Sở GD-ĐT Hậu Giang nhận định, mặc dù đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiện tượng mất an toàn trường học, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh vẫn còn xảy ra tại một số cơ sở giáo dục. Gần đây, số vụ bạo lực học đường, học sinh đánh nhau diễn ra thường xuyên hơn. Thậm chí, một số trường hợp còn quay video clip, chia sẻ lên mạng xã hội.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực học đườnghọc sinh bước vào độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, suy nghĩ bồng bột, thích chứng tỏ và thể hiện bản thân. Nhận thức hạn chế, thiếu chín chắn nên dễ bị bạn bè rủ rê làm điều trái chuẩn mực. Việc tiếp cận mạng xã hội sớm cũng khiến học sinh bị tác động bởi những trào lưu tiêu cực, học theo lối hành xử kém văn minh, lệch lạc đạo đức dễ phát sinh những mâu thuẫn không đáng có. Một bộ phận học sinh vô cảm, thờ ơ, ngại tố giác, can ngăn, thậm chí đứng ngoài cuộc cổ vũ.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng nhà trường chưa sâu sát, nắm bắt sự thay đổi của học sinh dẫn đến việc vào cuộc xử lý tình huống chậm. Nhà trường chú trọng dạy kiến thức, giáo viên giảng dạy chuyên môn, ít quan tâm đến công tác giáo dục, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Hậu Giang, không thể hoàn toàn quy chụp lỗi cho nhà trường. Bạo lực học đường xảy ra còn có phần trách nhiệm từ gia đình và xã hội. Phần lớn học sinh tham gia vào những tình huống bạo lực, vi phạm pháp luật thường có cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, gia đình hay có xung đột... Môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng cũng rất dễ ảnh hưởng tư tưởng, tâm sinh lý của học sinh.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Từ thực trạng trên, Sở GD-ĐT Hậu Giang cho biết, có rất nhiều việc cần phải làm để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Trước hết là rà soát, phân loại, quan tâm sát sao những học sinh có nguy cơ vi phạm nội quy, nền nếp, vi phạm pháp luật. Công việc này cũng sẽ áp dụng với học sinh có hoàn cảnh éo le như không sống cùng cha mẹ, ít người giám sát, giám hộ...

Đơn vị nào để tình trạng xảy ra sẽ bị xử lý nghiêm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, giáo viên có liên quan trong nhà trường. Sở đã thiết lập kênh tiếp nhận thông tin liên quan từ sở đến các phòng GD-ĐT, trường học với nhiều hình thức như: hộp thư góp ý, đường dây nóng, mạng xã hội và hệ thống camera giám sát để kịp thời phát hiện vụ việc xảy ra.

Song song đó, việc cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các tệ nạn có nguy cơ xâm nhập vào trường học cần được đẩy mạnh. Các cơ sở giáo dục phải phát huy vai trò của ban đại diện cha, mẹ học sinh trong triển khai các nội dung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học. Đơn cử là ký cam kết phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh. Bản thân các học sinh cũng ký cam kết, để quyết tâm không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.