Nhiều gia đình có trẻ dưới 12 tuổi khổ sở vì quy định phải xét nghiệm Covid-19 mới được đi máy bay |
lê nam |
Quy định hiện tại của Bộ Giao thông vận tải buộc nhiều gia đình ở TP.HCM phải cho con nhỏ dưới 12 tuổi, kể cả trẻ sơ sinh, đi xét nghiệm Covid-19 (PCR hoặc test nhanh) để có được giấy chứng nhận âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Vật vã vì giấy xét nghiệm Covid-19
Ngày 19.1, chị Nguyễn Hương Tràm (25 tuổi, trú P.7, Q.Gò Vấp) hớt hải đưa đứa cháu 10 tuổi tới một bệnh viện đa khoa trên đường Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM để test nhanh Covid-19, chuẩn bị cho chuyến bay về quê ăn tết sáng 20.1. Chị Tràm cùng cháu phải xếp hàng đợi khá lâu mới được vào xét nghiệm, đóng 185.000 đồng tiền phí và chờ hơn 1 giờ để lấy kết quả.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Tràm nói: “Đại lý bán vé của hãng hàng không Vietnam Airlines dặn đi dặn lại rằng đứa cháu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 của bệnh viện mới có thể làm thủ tục lên máy bay. Từ sáng, hai dì cháu đã rất vất vả để xếp hàng chờ tới lượt, chọc mũi rất đau, nhiều trẻ em khóc la ầm ĩ”.
Nhu cầu đi máy bay về quê ngày tết rất đông nhưng người lớn thì miễn xét nghiệm, còn trẻ em bắt xét nghiệm khiến nhiều người khổ sở |
bảo vy |
Chị Tràm thắc mắc vì trẻ em đi cùng cha mẹ, người thân nhưng người lớn thì không cần giấy xét nghiệm âm tính, cớ sao bắt trẻ em lại phải có. “Trẻ vốn có sức đề kháng rất tốt và tham gia hoạt động xã hội ít hơn người lớn. Nếu gia đình tuân thủ 5K, các con cũng khỏe mạnh. Các cháu dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin vì ở Việt Nam chưa được phép tiêm, chứ có phải gia đình chúng tôi không cho con cháu mình tiêm đâu. Chưa kể môi trường tập trung đông đúc ở bệnh viện, nhốn nháo đợi test Covid-19, có khi lại dễ lây nhiễm cho con em mình hơn”, chị Tràm nói.
Đã đặt vé về sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) vào ngày 25.1, suốt mấy hôm nay chị Nguyễn Thanh Hiền (41 tuổi, trú chung cư Giai Việt, Q.8, TP.HCM) đã lo lắng chuyện đi xét nghiệm Covid-19 cho con gái 4 tuổi.
Liên hệ với hãng hàng không Bamboo Airways hôm 17.1, chị Hiền đã hỏi về những giấy tờ cần chuẩn bị trước chuyến bay và được nhân viên trực tổng đài nhắc đi nhắc lại là phải cho bé 4 tuổi đi xét nghiệm Covid-19 để có giấy xác nhận âm tính trong 72 giờ trước khi bay.
“Mấy lần xét nghiệm trong cộng đồng ở khu dân phố, cả nhà chỉ có 1 người đi test Covid-19 đại diện, vì cha mẹ âm tính, khỏe mạnh là con cũng không có vấn đề sức khỏe. Việc chọc mũi xét nghiệm cho trẻ em rất khó, nhiều cháu giãy giụa, khóc lóc, giãy đạp. Tôi cũng lo lắng khi cho con tập trung đông người ở bệnh viện rồi bé gào khóc lúc lấy mẫu xét nghiệm cũng có nguy cơ bị lây nhiễm”, chị Hiền than thở.
Hơn 90% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin, 9 địa phương dạy học trực tiếp |
Nên thay đổi quy định
Bác sĩ H.T.P., công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, cho biết trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin nhưng có nguy cơ lây nhiễm thấp vì tham gia các hoạt động xã hội ít, nhiều tháng qua chưa được đến trường đi học, chỉ ở gần cha mẹ, người thân. Khi cha mẹ, người thân đã tiêm 2 mũi, 3 mũi vắc xin, tuân thủ 5K, sức khỏe tốt thì các con cũng được đảm bảo sức khỏe, theo bác sĩ H.T.P.
Bác sĩ này cho rằng việc test nhanh Covid-19 hay PCR trong 72 giờ trước khi bay cũng rất tốn kém. Bộ Giao thông Vận tải đã không yêu cầu người lớn, người đã tiêm đủ mũi vắc xin phải xét nghiệm Covid-19 mới được đi máy bay (trừ khi xuất phát từ địa bàn có dịch cấp độ 4) thì tại sao không bỏ luôn quy định này cho trẻ em?
Đi xe khách, tàu hỏa không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với trẻ em, thì đi máy bay cũng nên bỏ |
bảo vy |
Đi xe khách, tàu hỏa không yêu cầu xét nghiệm Covid-19, thì đi máy bay cũng nên bỏ
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Xuân Hải, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết ở góc độ chuyên môn thì trẻ em là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ và quan tâm vì trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin. Theo bác sĩ Hải, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi di chuyển từ nơi này qua nơi khác tùy theo mỗi địa phương có cấp độ dịch khác nhau thì cần phải xét nghiệm Covid-19 để chủ động ứng phó kịp thời khi phát hiện trường hợp dương tính.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Xuân Hải, trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ, công bằng, trên mọi đối tượng để phát huy hiệu quả. Tại sao khi di chuyển bằng ô tô, xe khách, tàu hỏa thì không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi, trong khi đi máy bay lại cần? Hiện không có căn cứ nào cho rằng đi máy bay có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, còn đi xe khách, tàu hỏa thì không. Từ đó, bác sĩ Hải đề xuất nếu đi ô tô xe khách, tàu hỏa đã không cần xét nghiệm, thì đi máy bay cũng nên được bỏ quy định này.
Mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 11.000 ca Covid-19 trong cộng đồng |
Trước ngày 27.12.2021, Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, hành khách ở địa bàn có dịch cấp 4, vùng cách ly y tế, hành khách đi chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4, từ các sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đến trước thời điểm chuyến bay khởi hành.
Ngày 27.12.2021, Bộ Giao thông Vận tải sửa quy định trên, chỉ áp dụng xét nghiệm với hành khách ở địa bàn có dịch cấp 4, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4.
Với các vùng khác, hành khách đi máy bay chỉ cần 1 trong 3 điều kiện: người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành; người có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành; người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến thời điểm chuyến bay khởi hành.
Theo quy định đó, trẻ em dưới 12 tuổi (chưa được tiêm vắc xin), chưa có giấy chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng khi đi máy bay vẫn cần kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính (PCR hoặc test nhanh).
Bình luận (0)