Vì sao bệnh nhân phải tạm ứng viện phí?

11/12/2022 06:15 GMT+7

Nhiều bệnh nhân phản ánh cứ vào bệnh viện là phải ứng viện phí trước dù có bảo hiểm y tế, có người vì không chuẩn bị tiền phải xoay xở để có tiền ứng.

PV Thanh Niên đã có cuộc khảo sát nhanh tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM về vấn đề tạm ứng viện phí, cũng như tìm câu trả lời vì sao phải ứng viện phí trước từ các BV.

Cứ vào viện là phải ứng tiền?

Ngày 24.11, tại hành lang Khoa Nội (BV Q.7), bà K. ngồi cạnh người mẹ đang nằm truyền nước. Mẹ bà năm nay 75 tuổi, có bảo hiểm y tế (BHYT), bước đầu vào cấp cứu được hướng dẫn làm thủ tục ứng trước 1 triệu đồng, ngày thứ 2 ứng thêm 1 triệu đồng nữa. Bà K. chia sẻ đã quen thuộc với thủ tục đóng tiền trước vì thường xuyên đưa mẹ vào viện. Bà nói thêm: “Có hay không có BHYT thì bệnh nhân (BN) cũng phải ứng trước tiền điều trị. Họ bắt mình ứng trước đó, họ sợ mình chạy, bỏ không đóng viện phí. Nhiều khi mình chữa xong bỏ chạy là xong luôn, nên ứng trước, sau có thừa thì lúc thanh toán họ trả lại”.

Cứ vào bệnh viện là phải ứng viện phí trước dù có bảo hiểm y tế

DUY TÍNH

Còn tại Khoa Ngoại (BV Q.7), ông T. (58 tuổi), nhập viện cấp cứu vì bị cưa gỗ rơi trúng chân. Lúc vào cấp cứu, vì hoảng loạn, nên ông T. không mang theo tiền. Đến lúc làm thủ tục, BV yêu cầu nộp trước 6 triệu đồng thì ông mới gọi con mang tiền vào nộp tạm ứng. Ông T. cũng cho hay vì đăng ký nằm giường dịch vụ nên chi phí ứng trước cũng cao.

Ngày 23.11, đang đứng xếp hàng chờ vào thang máy để đưa cháo cho mẹ, anh V. cho biết vừa đưa mẹ bị áp xe gan vào BV Chợ Rẫy điều trị, nhập viện ngày đầu. Mẹ anh V. có thẻ BHYT, khi làm thủ tục nhập viện, trước mắt được thông báo tạm ứng 2 triệu, buổi chiều BV gửi giấy tạm ứng thêm 3 triệu, tổng 5 triệu đồng.

Cũng tại BV Chợ Rẫy, bà H. (ngụ tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết chồng bà bị bệnh về tiền liệt tuyến, 2 vợ chồng khăn gói từ Huế vào TP.HCM mổ với mong muốn được điều trị tốt nhất, có mang theo 200 triệu đồng và đinh ninh BHYT đã chi trả cho mình 95%. Theo bà H., khi nhập viện, bà được yêu cầu ứng trước 30 triệu đồng, nộp xong thì chồng bà được đưa đi mổ.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi đang mổ thì chồng bà H. bị nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tính mạng, nên lúc này phải một lần điều trị 2 loại bệnh. Lần ứng tiền thứ 2 là 50 triệu đồng, lần 3 ứng thêm 200 triệu đồng, sau đó tiếp tục ứng thêm nhiều lần, mỗi lần 50 triệu đồng... Đến nay mọi chi phí đã ngót nghét 500 triệu đồng, trong đó tiền vay thêm là 250 triệu đồng. “Giờ BV kêu chừng nào thì mình phải ứng chừng đó thôi. Mỗi lần rút tiền cứ một cọc 50 triệu đồng”, bà H. chia sẻ.

Ngày 24.11, bà Q. (ngụ Quảng Ngãi) nhập viện cấp cứu vì đau đầu, tụt huyết áp tại BV An Bình. Bà Q. có thẻ BHYT, khi vào nhập viện ứng trước 2 triệu đồng viện phí. “Bữa tôi vô đây cấp cứu, họ kêu ứng trước 1 triệu xong bắt đầu mới cho vô khám. Tôi khám xong, lên nằm 1 ngày họ kêu đóng thêm 3 triệu nữa mới bắt đầu kêu đi thử nước tiểu, thử máu… Tôi ở đây 4 ngày mà ứng 4 triệu đồng rồi, mà tôi chỉ bệnh bình thường thôi”, bà Q. nói.

Bệnh viện “cũng có nhiều nỗi khổ”

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện các BV cho biết với BN cấp cứu thì việc cứu người là quan trọng hàng đầu, sau đó mới tính tiền. Nhưng với BN khó khăn, nghèo thì ngoài BHYT thì BV có cơ chế hỗ trợ.

Nói về tạm ứng viện phí, bác sĩ (BS) Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành BV Q.7, cho biết hiện nay BV Q.7 không thực hiện thu tiền tạm ứng đối với BN có thẻ BHYT đến khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là BN cấp cứu. Riêng đối với BN điều trị nội trú, BV chỉ thu tạm ứng khi có chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao, hoặc có phát sinh chi phí ngoài phần thanh toán của BHYT. “Khi nhập viện, tùy từng mã quyền lợi của BN và chi phí điều trị phát sinh tại khoa, BS sẽ thông báo cho BN, người nhà BN các chỉ định sẽ được tiến hành trong thời gian điều trị và dự kiến tổng chi phí BN phải đồng chi trả hoặc BHYT không thanh toán để chuẩn bị tiền đóng tạm ứng viện phí nội trú”, BS Vũ nói.

“Ví dụ thẻ BHYT có mã quyền lợi 100% như: CC12, TE1, CK2, BT2, TS2… nếu không phát sinh chi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT thì sẽ không phải đóng tiền tạm ứng viện phí. Trường hợp BN chưa có tiền đóng tạm ứng BV vẫn tiến hành các thủ tục chuyên môn. BN có thể đóng tạm ứng vào ngày hôm sau. Trường hợp BN nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì BV có chính sách hỗ trợ như: có xác nhận hoàn cảnh khó khăn, neo đơn của cơ quan địa phương thì BV sẽ miễn giảm viện phí cho BN hoặc xin nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho BN”, BS Vũ nói thêm.

“BN cấp cứu thì phải cấp cứu, nhiều BN vào cấp cứu xong đi về mà “quên” đóng viện phí, nhất là các ca bệnh không có thân nhân. Ca cấp cứu nhẹ thì BV thất thu vài trăm ngàn đồng, có ca nặng hơn thì vài triệu. Hằng tháng BV bị thất thu 20 - 30 triệu đồng do BN không đóng viện phí”, BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV An Bình, thông tin.

BV An Bình cũng có quỹ dành cho BN nghèo, nhưng quỹ này cũng có giới hạn. Cũng theo BS Trường Giang, tạm ứng chứ không phải thu. BV tạm ứng theo từng ngày khi số tiền phải thu vượt số tiền BN đã đóng chứ không tạm ứng 1 lần. Có trường hợp không tạm ứng, nhất là BN hồi sức cấp cứu, phẫu thuật khi ra viện thì số tiền khá nhiều mà BN không đóng hết được thì cũng “cười trừ” chứ không biết làm sao. Nếu BN có BHYT thì còn đỡ, BV chỉ mất tiền đồng chi trả, nếu không có BHYT thì BV chịu đủ, có rất nhiều ca khó khăn nhưng lại không có BHYT.

BHYT không thanh toán hết chi phí

Còn theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Chợ Rẫy), hiện nay BHYT không thanh toán cho tất cả chi phí. Ví dụ, stent mạch vành, giá thầu hơn 48 triệu đồng mà BHYT trả tối đa 36 triệu, nếu BN có BHYT 100% thì cũng phải đóng hơn 12 triệu, còn BHYT 80% thì phải trả 19,2 triệu chỉ cho riêng stent.

Ngoài ra để đặt stent thì còn nhiều thứ khác nữa (ống thông, bóng...). Nếu đặt 2 stent thì stent thứ 2 BHYT chỉ trả không quá 18 triệu đồng, như vậy BN BHYT 100% phải trả thêm hơn 30 triệu đồng, còn BN BHYT 80% thì phải trả thêm 33,6 triệu đồng chỉ riêng phần stent. Đặt 3 stent thì stent thứ 3 BHYT không trả, BN trả 100%. Ngoài các vật tư y tế bị giới hạn cụ thể như stent mạch vành..., còn lại thì được BHYT thanh toán không quá 45 tháng lương cơ sở (BHYT 100% 67,05 triệu đồng; BHYT 80% thì không quá 53,64 triệu đồng).

“Nếu không tạm ứng tiền viện phí thì khi xuất viện BN không trả thì cũng có làm gì được BN. BV tự chủ thì có khoản nào đâu mà bù vào? Viện phí chính là lương của nhân viên y tế. Vì ở BV tự chủ chi thường xuyên như BV Chợ Rẫy, thu nhập của nhân viên rất liên quan với khoản chênh lệch thu viện phí trừ chi phí thuốc, vật tư y tế, điện, nước, văn phòng phẩm...”, BS Thanh Việt nói.

Mức đóng BHYT thấp nên chi trả thấp

Theo BS Phạm Thanh Việt, các phương pháp điều trị ngày nay tiến bộ hơn rõ rệt, hiệu quả điều trị cao hơn nhưng ngược lại những loại vật tư y tế dùng cho những phương pháp điều trị mới giá cũng cao hơn nhiều. Mức đóng BHYT quá thấp thì quỹ BHYT không thể tính hết mọi chi phí được. Chỉ những phương pháp điều trị cũ xưa, lạc hậu, không dùng vật tư y tế thì BN mới trả ít.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.