Vì sao bùng nổ điểm 10 nhưng vẫn nhiều điểm 0?

10/07/2017 08:37 GMT+7

Sau khi điểm thi THPT quốc gia được công bố, giới chuyên môn và công chúng đặt nhiều câu hỏi về hiện tượng “cơn bão điểm 10” ở hầu hết các môn thi, cho dù Bộ GD-ĐT trước đó khẳng định “sẽ không có mưa điểm 10”.

Theo chúng tôi, số lượng điểm 10 như vậy là hợp lý. Nhưng trước khi nói về số điểm 10, hãy bàn về điểm số theo chiều ngược: điểm 0.

Với hình thức thi trắc nghiệm, như đã có nhiều chuyên gia phân tích, xác suất bị 0 điểm là quá thấp. Với 50 câu 4 phương án trả lời, xác suất này nhỏ hơn 1 phần triệu. Có nghĩa là với chưa đầy 1 triệu thí sinh (TS) dự thi thì có 10 TS bị 0 điểm đã là quá nhiều. Vậy mà riêng môn toán đã có 782 TS bị 0 điểm. Đó là điều vô lý nếu như các TS đều có làm bài và không phạm quy. Chỉ có thể giải thích điều này qua các lý do sau: TS không đến thi, đến thi nhưng không chịu làm bài thi, làm bài nhưng phạm quy, hay có thể là lý do kỹ thuật nào khác.
Điều này cũng có thể thấy khi quan sát phổ điểm. Nếu số điểm 0 môn toán là 782 thì số điểm 0,2 (đúng 1 câu) là 3 và 0,4 (đúng 2 câu) là 8 và 0,6 (đúng 3 câu) là 42 là những con số khá phù hợp với lý thuyết xác suất. Có nghĩa là nếu TS có làm bài (thậm chí tích hú họa) và được chấm thì phổ điểm sẽ phải là như vậy.
Như thế, có thể thấy rằng các điểm 0 ở đây nói chung là điểm 0 kỹ thuật và gần như có thể bỏ đi luôn, không đưa vào phân tích, như thế sẽ hợp lý hơn.

Sau khi đã bỏ đi toàn bộ số điểm 0, làm sao so sánh được đề thi năm nay với đề thi năm ngoái về độ khó ứng với nhóm dưới? Ví dụ năm ngoái, ở môn toán có 2.062 điểm 0, còn năm nay loại đi hết thì không còn điểm 0 nào, hoặc còn rất ít, vậy đề năm nay dễ hơn? Không phải như vậy. Muốn so sánh điểm 0 của tự luận, phải so sánh với điểm dưới 1,5 của trắc nghiệm, mà con số đó năm nay ở môn toán cũng xấp xỉ 3.000 TS (đã loại đi toàn bộ điểm 0 kỹ thuật), khá tương đồng.
Vậy là ở chiều điểm thấp, đề thi năm nay không “dễ”. Với chiều điểm cao thì sao? Giải thích thế nào về hiện tượng bùng nổ điểm 10? Ví dụ môn toán năm ngoái có 8 điểm 10, còn năm nay có 261 bài. Có phải là do năm nay Bộ ra đề dễ? Thật ra không phải hoàn toàn như thế.
Vấn đề quan trọng và chủ yếu là do sự khác biệt giữa trắc nghiệm và tự luận. Thực sự là làm 50 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 90 phút cũng không kém áp lực so với làm 10 câu trong vòng 180 phút tự luận. Nhưng vì sao vẫn có nhiều điểm 10? Có thể giải thích rằng dù đề thi năm nay vẫn có những câu khó, không kém các câu phân loại trong các kỳ thi trước, nhưng vì là thi trắc nghiệm nên vẫn có khả năng câu đó được TS làm đúng một cách ngẫu nhiên.
Giả sử trong số 850.000 TS dự thi môn toán, có 1% TS có thể làm chắc ăn 47 câu, còn 3 câu phân loại. Khi đó cho dù 3 câu phân loại này khó đến đâu, khó bằng 10 lần các bài phân loại của các năm trước vẫn sẽ có rất nhiều TS được điểm 10.
Đơn giản là vì với 3 bài đánh cầu may, xác suất đúng cả 3 vẫn là 0,0156. Và với 8.500 TS đã làm chắc 47 câu đầu (1% của 850.000), sẽ có đâu đó khoảng 130 TS đạt điểm tuyệt đối chỉ bằng cách đánh cầu may.

Sự bùng nổ điểm 10 ở môn toán có thể tạm giải thích như vậy. Nhưng với các môn đã từng thi trắc nghiệm từ những năm trước thì sao? Có một số nguyên nhân: Thứ nhất, theo lộ trình thay đổi, đề thi năm nay chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, TS vừa được thi những phần vừa học vừa giảm được 1/3 lượng kiến thức (chẳng hạn với môn toán, TS đã tránh được những phần vốn được coi là “sát thủ” của những năm trước như lượng giác, xác suất, hình giải tích phẳng, bất đẳng thức, phương trình và hệ phương trình). Thứ hai, số lượng câu hỏi khó giảm đi nhiều so với năm trước. Và cuối cùng, do cách thức thi tổ hợp môn, TS có thể “mượn” thời gian của môn này để làm bài môn kia, từ đó có thêm thời gian rà soát chắc chắn các phương án.
Như vậy, không có gì đáng lo lắng khi số điểm 10 bùng nổ. Điều quan trọng hơn là các tốp 1%, 3%, 5% theo điểm thi của đề thi này có thực sự là tốp các học sinh giỏi nhất không, tức là đề thi có thực sự phân loại được học sinh tốp trên hay không. Đó lại là một câu chuyện khác.

tin liên quan

Có lo lắng khi nhiều điểm 10?
Cách đây khoảng 10 năm, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT khi đó cũng làm "rúng động" không chỉ giới truyền thông, phụ huynh mà còn lôi kéo cả xã hội vào cuộc đánh giá cách làm khi đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.