Vì sao cảnh gấu Bắc Cực săn tuần lộc ăn thịt làm giới khoa học lo lắng?

12/12/2021 09:30 GMT+7

Một đoạn video quay lại cảnh một con gấu Bắc Cực tấn công và giết chết một con tuần lộc cho thấy cách loài này đang thích nghi với chế độ ăn uống của chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu .

Cảnh quay vào năm 2020 cho thấy con gấu Bắc Cực cái trưởng thành bơi sát con tuần lộc, kéo con mồi xuống nước và nhấn chìm nó. Một lúc sau, các nhà khoa học thấy con gấu đang kéo con mồi vào bờ đá.

Các nhà khoa học Ba Lan cho biết họ quan sát thấy con gấu sử dụng “cùng một phương pháp” để giết tuần lộc trong 2 lần khác nhau, khiến họ đưa ra giả thuyết rằng gấu Bắc Cực có thể trở thành “chuyên gia” săn bắt loài này.

Gấu Bắc Cực đang ăn thịt con tuần lộc vừa bắt được

Polar Biology

Việc gấu Bắc Cực phải lên bờ săn tuần lộc nhiều hơn có thể vì nguồn thức ăn chính của chúng là hải cẩu đã giảm đi. Nguyên nhân của hiện tượng này là băng tan trên biển ngày càng nhiều khắp vùng Bắc Cực do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Gấu Bắc Cực được xếp vào nhóm động vật có vú sống ở biển do môi trường sống và nguồn thức ăn của chúng, vì vậy việc gấu thay đổi hành vi có thể dẫn đến sự điều chỉnh về cách phân loại của các nhà khoa học.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến sông băng Thwaites (Nam Cực)

reuters

Quần đảo Svalbard là nơi sinh sống của khoảng 300 con gấu Bắc Cực. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nếu gấu Bắc Cực mẹ học cách săn tuần lộc hiệu quả, thì con của chúng, ở với mẹ trong hơn 2 năm, cũng có thể trở thành thợ săn tuần lộc.”

Mặc dù chúng đã thành công trong việc săn bắt con mồi trên cạn, nhưng khi băng tiếp tục tan, mùa săn hải cẩu sẽ trở nên ngắn hơn, và có khả năng gấu Bắc Cực còn sẽ phải vất vả hơn nữa để thích nghi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.