Vì sao có nhiều người sợ ngày chủ nhật?

Thảo Phương
Thảo Phương
30/05/2024 14:43 GMT+7

Không ít người trẻ thừa nhận rằng họ mắc "hội chứng" sợ ngày chủ nhật. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng nhiều người có cảm giác uể oải, lo âu vào cuối tuần.

Ngày nghỉ sao lại không thích?

Thay vì tận hưởng ngày cuối tuần vui vẻ thì không ít người lại có cảm giác căng thẳng, lo âu. Sở dĩ nhiều người không thích chủ nhật vì họ dành cả ngày này để nghĩ về guồng quay công việc, bài vở trong tuần mới.

Nguyễn Thị Xinh (26 tuổi), đang làm việc tại Công ty may Việt Tiến, Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: “Một tuần mình được nghỉ chiều thứ bảy và cả ngày chủ nhật. Tuy nhiên, khoảng thời gian mình thật sự thoải mái tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi là chiều và tối thứ bảy. Mình rất ghét khoảng thời gian ngày chủ nhật vì trong lòng cứ lo nghĩ sắp phải đối diện với một tuần đi làm tiếp theo”.

Vì sao có nhiều người sợ ngày chủ nhật?- Ảnh 1.

Vì sao có nhiều người sợ ngày chủ nhật?

THẢO PHƯƠNG

Tương tự, cũng không thích ngày chủ nhật, Nguyễn Linh Anh (23 tuổi), ngụ tại đường Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), tâm sự: “Khoảng thời gian mình thích nhất trong tuần là buổi tối thứ sáu. Chiều tan làm về phòng thư thả nấu ăn, tối có thể nằm dài trên giường "cày" phim thỏa thích tới  khuya rồi sáng hôm sau ngủ đến mấy giờ cũng được, không phải suy nghĩ hay vướng bận bất cứ việc gì. Tuy nhiên, khi bước sang ngày chủ nhật thì mình bắt đầu nghĩ đến khối lượng công việc, những deadline trong tuần mới, báo cáo tiến độ với sếp… tự nhiên thấy nặng nề. Nhiều khi đang đi chơi với bạn bè nhưng trong đầu cứ mãi nghĩ đến công việc tuần tới. Cho nên, mình thích những cuộc hẹn vào tối thứ sáu và thứ bảy hơn là chủ nhật”.

Không chỉ người đi làm mà với những bạn trẻ đi học cũng mắc "hội chứng" sợ ngày chủ nhật. “Ngay từ nhỏ, mình cũng đã không thích ngày chủ nhật rồi, vì hôm sau phải đối diện với cả tuần học mệt mỏi, hết bài tập này đến bài kiểm tra. Trái lại khoảng thời gian tuyệt vời nhất với mình là chiều thứ sáu. Cảm giác nôn nao, háo hức vì học xong mình sẽ được về thăm nhà, còn sang ngày chủ nhật thì phải quay trở lại thành phố để hôm sau đến trường. Vì vậy, đó là lý do mình không thích ngày chủ nhật”, Nguyễn Thanh Hậu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ.

Phải làm sao để vượt qua?

Thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hội chứng sợ ngày chủ nhật là một loại lo lắng có tính dự đoán. Nó thể hiện sự gia tăng mức độ lo lắng khi nghĩ về một sự kiện hoặc tình huống sắp xảy ra, thường liên quan đến việc nghĩ đến ngày làm việc tiếp theo, xử lý công việc, hoặc những thách thức trong tuần sắp tới. Đây cũng là một dạng của chứng lo âu chờ đợi, nghĩa là ta cảm nhận được nỗi sợ hãi ngay cả khi chưa đối mặt với vấn đề.

“Khi còn nhỏ, người ta có thể sợ chủ nhật vì sau đó sẽ đến thứ hai với các bài kiểm tra. Khi lớn lên, người ta sợ chủ nhật vì có nhiều việc cần báo cáo đang chờ đợi vào sáng thứ hai. Hội chứng sợ chủ nhật khiến ngày nghỉ trở nên không còn thoải mái nữa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủ nhật là ngày "không vui nhất" trong tuần”, thạc sĩ Minh Thành cho hay.

Vì sao có nhiều người sợ ngày chủ nhật?- Ảnh 2.

Làm sao để vượt qua "hội chứng" sợ ngày chủ nhật?

THẢO PHƯƠNG

Để vượt qua nỗi sợ ngày chủ nhật, thạc sĩ Minh Thành đưa ra lời khuyên: “Nên ngủ đủ giấc để giúp bản thân làm mới tinh thần và minh mẫn hơn. Vào tối thứ bảy, bạn có thể cho phép mình thong thả một chút nhưng không nên thức quá khuya, dậy quá muộn. Tạo ranh giới cho công việc bằng cách hãy xác định khi nào là thời gian xử lý và cần dừng lại để nghỉ ngơi. Ngày cuối tuần, thay vì nghĩ về công việc, bạn nên có kế hoạch riêng như nấu ăn, tập gym, cà phê với bạn bè... để bắt đầu tuần mới mà không tiếc nuối".

Bên cạnh đó, thạc sĩ Minh Thành cho rằng nên xoa dịu tinh thần bằng một vài phương pháp tĩnh tâm như: đọc sách, tắm nước ấm, nghe nhạc, chơi với thú cưng. Thông thường, nỗi sợ ngày chủ nhật đến từ sự không hài lòng về chính mình hay công việc, vì thế hãy kết nối với ai đó có thể cho bạn lời khuyên khi cần. 

"Không ít người sợ chủ nhật vì ngày hôm sau phải đi làm, đầu tuần có nhiều cuộc họp và báo cáo căng thẳng. Dĩ nhiên, bạn khó thay đổi lịch trình chung của công ty, nhưng bản thân có thể tự tạo niềm vui bằng các cách cá nhân hơn. Dần dần, khi đã quen với nhịp sinh hoạt, bạn sẽ không còn ghét ngày chủ nhật nữa”, thạc sĩ Minh Thành chia sẻ.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.