Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 9.2, Công an TP.HCM tiến hành khám xét Chi cục Đăng kiểm số 9 tại 102 Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Chi cục Đăng kiểm số 6 tại 130 Lý Tự Trọng, Q.1 (TP.HCM). Hiện thông tin về việc khởi tố bị can chưa được công bố.
Cận cảnh Công an TP.HCM kiểm tra trụ sở Chi cục Đăng kiểm số 6
Hơn 1 tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm (để điều tra về việc bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế; sử dụng phần mềm để can thiệp trái pháp luật vào hệ thống đăng kiểm xe cơ giới…); khởi tố hàng trăm bị can liên quan.
Trước khi khám xét 2 chi cục trên, Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, gồm 5 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 đơn vị tại TP.HCM. Công an TP.HCM đã khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam 89 người là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và những người môi giới.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, tại sao Công an TP.HCM lại có thể điều tra, bắt tạm giam nhiều người tại các trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh? Trả lời về vấn đề trên, luật sư Lê Nguyên Hòa (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự, quy định: "Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt".
Căn cứ vào quy định trên, quá trình điều tra vụ án trên địa bàn mình quản lý, nếu Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM phát hiện thêm hành vi phạm tội xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm thuộc các tỉnh, thành khác vẫn có quyền mở rộng điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo luật sư Hòa, Công an TP.HCM có thể chủ trì và phối hợp cùng cơ quan chức năng các địa phương để điều tra, truy xét liên quan đến chuyên án.
Căn cứ Điều 37, Điều 40 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan CSĐT có nhiệm vụ, quyền hạn như: Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng…
"Việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khám xét tại Chi cục Đăng kiểm số 9, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam ở TP.Vũng Tàu không trái với quy định pháp luật", luật sư Lê Nguyên Hòa phân tích.
Bình luận (0)