Vì sao cung - cầu lệch pha?

10/04/2020 04:31 GMT+7

Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo than trời vì ế thì rất nhiều người tiêu dùng trên cả nước lại ngơ ngác không biết thịt heo ngoại ở chỗ nào để tìm mua.

Cung - cầu không gặp nhau cũng là nguyên nhân khiến giá hàng loạt sản phẩm ứ ế nơi này nhưng đắt đỏ nơi khác.
Thực tế thì thịt heo nhập khẩu đang được bán rất hạn chế trên thị trường. Các hệ thống siêu thị quy mô lớn hầu như không có, còn ra chợ thì khỏi bàn, gần như 100% là heo “nóng”. Bởi heo nhập khẩu lâu nay chủ yếu cung cấp thẳng cho các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn..., rất ít bán lẻ trên thị trường.
Thế nên khi dịch Covid-19 ập đến, các bếp ăn tập thể nghỉ... thì các nhà nhập khẩu than trời lỗ lã. Nào là hàng nằm kho, nằm cảng, bán rẻ không ai mua. Nhưng người tiêu dùng biết mua ở đâu nếu bình thường “anh” cứ chạy thẳng vào “bếp nhà người ta”? Chứ làm gì có chuyện thịt đảm bảo chất lượng, giá rẻ mà khách hàng lại chê để đi mua thịt heo trong nước giá cao.
Hãy nhìn các quán nướng kiểu Nhật, Hàn... mọc khắp nơi và lúc nào cũng đông nghẹt khách để thấy, người tiêu dùng nội địa đã đón nhận thịt heo, , gà nhập khẩu “nồng nhiệt” như thế nào.
Thế nên “tiên trách kỉ”, nếu không đưa hàng ra thị trường thì cũng đừng trách người tiêu dùng không biết đến và ủng hộ sản phẩm của mình.
Mấy hôm nay người tiêu dùng ở các đô thị lại thêm một lần “lên ruột” khi nghe xoài cát Hòa Lộc rớt giá chỉ còn 15.000 - 17.000 đồng/kg tại vườn nhưng họ vẫn phải mua với giá gấp 5, thậm chí gấp 10 lần ở chợ hay tại các cửa hàng trái cây. Chuyện ế đồng đắt chợ thì mùa nào thức ấy, từ rau củ quả, hoa, nông, thủy sản... và hầu hết đổ lỗi cho các tầng nấc trung gian nên chi phí bị đẩy lên. Điều này không sai nhưng chưa đủ. Bởi cùng là xoài cát Hòa Lộc ở thời điểm hiện tại trong siêu thị Co.opMart bán với giá 37.000 đồng/kg, ngoài chợ dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg và trong cửa hàng “3 sạch” là 145.000 đồng/kg.
Với “bước giá” quá xa cho cùng một mặt hàng, cùng tại TP.HCM như thế này, không thể đổ hết cho “tầng nấc trung gian” mà nói thẳng là do người bán, thích giá nào bán giá đó. Thậm chí một số hệ thống cửa hàng đẩy giá lên cao đến phi lý với hàm ý “đẳng cấp”.
Ấy vậy mà nhiều người vẫn tin, vẫn mua mà không giải thích được vì sao chấp nhận mua ký xoài giá cao gấp 10 lần tại vườn; gấp 5 lần ở siêu thị và gấp 3 lần ở chợ.
Trước đó, hình ảnh nông dân Đà Lạt phải nhổ bỏ cả vườn hoa để làm... phân xanh khiến ai nhìn cũng không khỏi xót xa. Vẫn biết trong khó khăn, tâm lý thắt chặt chi tiêu là tất yếu nhưng cũng có biết bao người dân TP.HCM và các tỉnh, thành vẫn chấp nhận chi một khoản để mua một bó hoa về cắm để chia sẻ với người trồng hoa nếu giá thực sự rẻ hơn.
Vậy thì những đơn vị, những cơ sở thường vẫn gom hoa của bà con đã tận lực tìm đầu mối chuyển hoa đi, chấp nhận lời ít, thậm chí không lời để giúp bà con hay cứ thấy khó thì “rút êm”?
Đầu cung muốn “chọn việc nhẹ nhàng”, phía cầu không sử dụng hết quyền lực tẩy chay các hệ thống cửa hàng, sản phẩm giá cao vô lý là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nghịch lý ế đồng đắt chợ, được mùa mất giá, thịt heo càng kéo xuống càng bị đẩy lên trời như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.