Thời gian này, đàn khỉ sinh sống trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh liên tục “đại náo” nhà dân, tấn công người dân và du khách, đặc biệt là trẻ em. Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị UBND tỉnh này cho chủ trương di dời đàn khỉ về rừng tự nhiên để đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh được giao làm kế hoạch di dời 2/3 trong số 150 cá thể khỉ sinh sống tại đây.
|
Vì đâu khỉ bỗng dưng “đại náo”?
Về nguyên nhân đàn khỉ tấn công du khách và “đại náo” người dân xung quanh, theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, đàn khỉ sinh sống trong Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh có nguồn gốc ban đầu do một số người dân họ tự ý đem phóng sinh vào. Sau đó, đàn khỉ tự sinh sôi nảy nở và có nhiều người tiếp tục thả thêm khỉ nuôi vào. Trong quá trình hội nhập với nhau, có những đàn khỉ có tổ chức xã hội, một số đàn không chấp nhận những con khỉ mới được thả vào cho nên phân ra rất nhiều đàn khác nhau, hoạt động trong phạm vi Tòa Thánh và khu vực lân cận.
|
“Người dân thì hiếu kỳ, rất hay cho khỉ ăn cho nên vào mùa có khách du lịch thì thức ăn rất dư thừa và đàn khỉ sinh sản không kiểm soát được. Ngược lại, tới lúc thiếu ăn thì đàn khỉ có xu hướng tràn ra xung quanh để kiếm ăn và đã có những xung đột đối với con người. Và gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ khỉ tấn công trẻ em, phụ nữ, thậm chí phá phách một số khu dân cư xung quanh”, ông Xuân nói.
Ông Xuân cũng khẳng định đó cũng là lý do Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh có văn bản xin ý kiến UBND để có biện pháp kiểm soát số lượng và di dời đàn khỉ đi nơi khác.
Không nên trực tiếp cầm thức ăn cho khỉ
Cũng theo ông Xuân, không phải tất cả người dân đều muốn di dời đàn khỉ này. Phần lớn thì họ muốn có một số lượng nhất định để cho du khách, đặc biệt là trẻ em xem cách khỉ sống trong tự nhiên. “Tuy nhiên, cũng phải nói là khỉ trên thế giới là xếp vào loại nguy hiểm. Tức là nó có thể tấn công và thậm chí có thể gây chết người. Ngoài ra, nó có thể lây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh dại”, ông Xuân nói.
|
Ông Xuân khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp khỉ, chỉ nên quan sát từ xa, đặc biệt không được cầm thức ăn cho khỉ ăn. Vì khi người dân cho ăn như vậy, khỉ có thể cắn chính người cho ăn hoặc là người bên cạnh, đặc biệt là trẻ em.
0:00 |
Ông Xuân khẳng định: “Trước mắt, chúng tôi sẽ bẫy bắt những con khỉ đầu đàn vì thường những con này là những con nguy hiểm nhất, sau đó sẽ bẫy bắt số còn lại. Cũng không kỳ vọng là sẽ bắt được 100% nhưng chúng ta sẽ kiểm soát số lượng khỉ ở mức hợp lý và có những cảnh báo cần thiết. Ngoài ra cũng phải làm việc các chức sắc tôn giáo để có những khuyến cáo và quản lý phù hợp vì khu vực đó thuộc quản lý của đạo Cao Đài”.
Bình luận (0)