TS-BS Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: “Thời điểm này các gia đình cần lưu ý về sốt xuất huyết ở trẻ em, xu hướng đang “nóng” dần lên. Trong các tuần gần đây, báo cáo hằng ngày tại trung tâm cho thấy tỷ lệ trẻ vào điều trị sốt xuất huyết tăng lên khá cao, và ghi nhận các ca sốt xuất huyết nặng”.
Bác sĩ Nam thông tin: Tuần gần đây, tại trung tâm, ngày nào cũng có trẻ nhập viện do sốt xuất huyết, kể cả các cháu sốt xuất huyết ở ngày thứ 2 - 3 và các cháu sốt xuất huyết ở ngày thứ 5 - 6. Trẻ nhập viện ở ngày thứ 2 - 3 chủ yếu do sốt cao, không hạ sốt được. Các cháu này vào được theo dõi, chăm sóc y tế, sau vài ngày mới hết sốt. Còn ở ngày thứ 5 - 6 là giai đoạn bệnh nặng, cần theo dõi sát để phòng biến chứng nguy hiểm.
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM |
NHẬT THỊNH |
Trong các ca bệnh sốt xuất huyết hay sốt vi rút, gia đình cần cho con uống đủ nước, đặc biệt là nước bù điện giải như oresol; lưu ý phát hiện dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng lên như: đau bụng nhiều, hoặc có thể nôn nhiều hay uống nước nhưng không bù được khiến trẻ tiểu ít, mệt nhiều… Khi trẻ có các dấu hiệu này, gia đình nên đưa trẻ vào viện để được thăm khám, đánh giá, hoặc xét nghiệm nhằm kiểm tra mức độ thiếu dịch như thế nào để bù cho trẻ và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nam, khi trẻ nghi mắc hoặc mắc sốt xuất huyết, dấu hiệu cần lưu ý là trẻ sốt cao nhưng uống thuốc hạ sốt không hạ được nhiệt ở mức yêu cầu. Ngoài ra, đau bụng có thể là dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết. Lý do, có thể có rối loạn về chức năng gan, hoặc có thể có rối loạn tiêu hóa kèm theo, trẻ uống nước vào nhưng không giữ lại được trong cơ thể thì chúng ta cũng cần có điều trị phù hợp, đau bụng có thể do thoát dịch…
“Tùy giai đoạn, chúng ta cần điều trị cho trẻ phù hợp. Và những tình huống đó nên được theo dõi trong bệnh viện thì phù hợp hơn”, bác sĩ Nam lưu ý.
Truyền dịch khi trẻ sốt cao có giúp hạ sốt, khỏe hơn?
Nhiều gia đình thường cho con truyền dịch khi ốm, sốt. Nhưng trước tiên chúng tôi khuyến cáo, chỉ thực hiện truyền dịch tại các cơ sở y tế có điều kiện theo dõi thường xuyên. Còn truyền dịch tại nhà, không có điều kiện theo dõi sức khỏe thì nhiều khi nguy hiểm cho trẻ. Truyền dịch phải có chỉ định đúng của nhân viên y tế và thực hiện tại các cơ sở đủ điều kiện chăm sóc theo dõi, chỉ định đúng tình trạng bệnh. Đặc biệt, nếu trẻ nào có thể tự uống được thì không cần chỉ định truyền.
TS-BS Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)