Trói tay vì các quy định
Ngày 28.10, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo "Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cho ngành điều".
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS, từ nước chỉ xuất khẩu điều thô với số lượng không lớn; qua 20 năm nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới; chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới. Từ nước phải nhập thiết bị, công nghệ chế biến điều của nước ngoài, Việt Nam trở thành nước làm chủ công nghệ; xuất khẩu dây chuyền chế biến điều đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, doanh nghiệp ngành điều vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc từ các quy định chính sách hiện hành". Lãnh đạo VINACAS dẫn chứng, chính sách miễn thuế đối với nguyên liệu tạm nhập, sau đó chế biến và tái xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định cứng nhắc không cho phép hàng nhập khẩu này được chuyển nhượng, hay chuyển mục đích sử dụng khiến cho doanh nghiệp nào linh động làm trái đi, tìm cách sang tay hay tiêu thụ nội địa đều có khả năng khép vào tội danh "buôn lậu".
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1, bức xúc: "Doanh nghiệp ngành điều không cố ý làm sai quy định pháp luật, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là điều thô sau khi được doanh nghiệp nhập về thì nhất định phải được tái xuất hoàn toàn, không thể sang tay hoặc chuyển mục đích sử dụng. Nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn đành phải tìm cách bán trước và hợp thức sau, dẫn đến vi phạm pháp luật. Thực tế các trường hợp doanh nghiệp bị khởi tố hầu hết đều lâm vào cảnh cùng cực, phá sản mới phải làm liều. Hoặc các sản phẩm chế biến sâu như sôcôla, sử dụng hạt điều vỡ để pha trộn, sau đó xuất khẩu cũng không được".
Vòng lẩn quẩn không lối thoát
Đối với thực trạng này, Cục Hải quan Bình Phước cũng nhìn nhận: Ngành điều hiện nay có nhiều nhà máy chế biến nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ các nước châu Phi và đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác. Vấn đề là nguyên liệu nhập khẩu được miễn thuế để chế biến tái xuất, còn chuyển mục đích khác thì điều 14 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Trong khi đó, các nước châu Phi xuất khẩu hạt điều sang Việt Nam không nằm trong danh sách này nên không được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi nhập khẩu. Do đó, mặt hàng điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi chỉ được phép làm thủ tục theo loại hình sản xuất xuất khẩu mà không được tiêu thụ nội địa dù với bất cứ lý do gì. Nếu vi phạm, có thể bị khép vào tội buôn lậu và đã không ít doanh nghiệp, doanh nhân bị khởi tố, phải vào vòng lao lý vì vi phạm quy định này.
Đại diện các doanh nghiệp, ông Tạ Quang Huyên nêu kiến nghị: "Các chính sách của Nhà nước hiện nay là áp dụng chung cho các ngành sản xuất chế biến thực phẩm, những ngành khác không gặp khó khăn nhưng ngành điều có đặc thù riêng nên trở thành "nạn nhân" bất đắc dĩ. Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được cấp lãnh đạo quan tâm giải quyết. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn giữ nguyên chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để chế biến tái xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải sang nhượng lô hàng thì cần có chính sách mở để doanh nghiệp khai báo lại và đóng thuế đầy đủ. Thực tế tiêu thụ hạt điều ở thị trường nội địa không nhiều, giá điều thô trong nước có thể nói là cao nhất thế giới, nên việc bảo hộ quá mức có khi không cần thiết".
Tuy nhiên, Cục Hải quan Bình Phước thừa nhận, qua quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi thông qua các buổi tham vấn, tọa đàm giữa cơ quan hải quan, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng điều thì hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến các cơ quan quản lý khác nhau. Theo VINACAS, các doanh nghiệp điều rất mong có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, nhanh chóng của Chính phủ để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, nếu không các doanh nghiệp điều đều có nguy cơ bị "hình sự hóa" trong thời gian tới.
Ngành điều đang bị điều chỉnh bởi các quy định nào?
- Quy định tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đã cấu thành lên sản phẩm khi chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp phải khai tờ khai mới, chính sách mặt hàng áp dụng đối với sản phẩm hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Quy định về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam ban hành kèm theo các Thông tư của Bộ NN-PTNT và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng hạt điều nhân phải thực hiện kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.
- Quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật ATTP thì sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
- Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ và Thông tư số 44/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 của Bộ Công thương thì hạt điều nhân được sản xuất từ điều thô nhập khẩu từ các nước Châu Phi đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam (Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi).
Bình luận (0)