Vì sao dự án đê bao ngăn lũ sông Krông Ana thiếu trăm ngàn khối đất đắp?

18/03/2023 16:43 GMT+7

Thiếu đất đắp nên dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana (H.Lắk, Đắk Lắk) có vốn đầu tư 200 tỉ đồng đạt khối lượng thi công thấp, có nguy cơ chậm tiến độ.

Ngày 18.3, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk), cho biết mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì họp cùng các sở, ngành liên quan để tìm hướng tháo gỡ tình trạng thiếu đất đắp tại dự án xây dựng đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana tại địa bàn H.Lắk.

Theo ông Thìn, cuộc họp trên đã làm rõ một số vướng mắc khi triển khai thực hiện luật Khoáng sản, cần được các cơ quan chức năng bổ sung thủ tục pháp lý cho phù hợp, nhằm khai thác các mỏ đất đúng quy định, giải quyết tình hình thiếu đất đắp cho dự án. "Hiện Ban QLDA tỉnh và các sở, ngành đang tập trung tháo gỡ và có tiến triển trong việc thực hiện các thủ tục, xác định điểm khai thác, đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp", ông Thìn thông tin.

Vì sao dự án đê bao ngăn lũ sông Krông Ana thiếu trăm ngàn khối đất đắp?  - Ảnh 1.

Thi công dự án đê bao nam sông Krông Ana thời điểm trong năm 2022, hiện hoạt động thi công tạm dừng do thiếu đất đắp

CTV

Dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn của T.Ư), thời gian thực hiện từ 2020 - 2023, do Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 15 km (bao gồm 2 km đường dẫn), đi qua địa bàn 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết của H.Lắk nhằm ngăn lũ dâng hàng năm từ sông Krông Ana, bảo vệ cho khoảng 3.000 ha lúa nước và kết hợp giao thông nội đồng.

Theo tính toán, dự án đê bao trên cần khoảng 159.000 m3 đất đắp. Tuy nhiên, vì thiếu đất đắp nên các nhà thầu mới đắp được khoảng 39.000 m3 đất; còn thiếu khoảng 120.000 m3 đất.

Thông tin từ phía chủ đầu tư cho biết, trong quá trình khảo sát, thiết kế, đơn vị đã tổ chức đánh giá trữ lượng, chất lượng của 8 mỏ vật liệu (trong đó sử dụng 2 mỏ và 6 mỏ dự phòng). Tuy nhiên, vào tháng 8.2022, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của H.Lắk đến năm 2030. Theo đó, cả 8 mỏ đất được khảo sát đánh giá trước đây không nằm trong quy hoạch đất khoáng sản của H.Lắk. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để Sở TN-MT Đắk Lắk cấp phép khai thác, dẫn đến việc dự án thiếu đất đắp.

Ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Sài Gòn (một trong những liên danh các nhà thầu tại dự án trên), cho biết đơn vị đảm nhận thi công 8 km bờ đê, hiện đã đắp được 3 km, còn lại 5 km không có đất đắp. Do thiếu đất đắp trong thời gian dài nên đơn vị đã phải tạm dừng thi công, rút máy móc về mấy tháng nay.

Nguy cơ chậm tiến độ

Theo chủ đầu tư dự án, hiện chỉ còn khoảng 9 tháng để hoàn thành dự án đê bao ngăn lũ nói trên. Tuy nhiên, vì thiếu đất đắp nên khối lượng thực hiện và tỉ lệ giải ngân tại dự án đạt mức thấp. Đến nay, dự án mới hoàn công khoảng 20,28%, tương đương 33,4 tỉ đồng. Trong đó, công trình thân đê, đoạn qua xã Buôn Tría mới đắp được khoảng 1 km, tại xã Buôn Triết mới đắp được khoảng 2 km. Một số hạng mục là công trình trên đê như: đường điện, trạm bơm… đang thi công dở dang hoặc chưa thi công được.

Vì sao dự án đê bao ngăn lũ sông Krông Ana thiếu trăm ngàn khối đất đắp?  - Ảnh 2.

Người dân xã Đắk Liêng dầm mình trong nước để gặt lúa trong mùa lũ năm 2022 do nước sông Krông Ana dâng cao

HOÀNG BÌNH

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND H.Lắk, cho biết dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trên địa bàn huyện, góp phần ngăn lũ, bảo vệ các cánh đồng lúa nước với diện tích hàng ngàn ha nhưng đang triển khai rất chậm. "Chúng tôi đã có nhiều báo cáo lên tỉnh và vẫn đang tích cực phối hợp để giải quyết những vướng mắc tại dự án. Chưa thể nói về việc dự án có kịp tiến độ hay không. Tuy nhiên, hiện dự án đang triển khai rất chậm, lý do chính là gặp tắc nghẽn về đất đắp".

Được biết, các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng (H.Lắk) là vùng chuyên canh lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk với diện tích hàng ngàn ha. Tuy nhiên, đây cũng là vùng "rốn lũ" của huyện này, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa hằng năm, khiến nhiều nông hộ trắng tay.

Theo Phòng NN-PTNT H.Lắk, trong đợt lũ vào tháng 8.2022, có gần 2.000 ha lúa nước tại 3 xã trên bị nước lũ nhấn chìm (xã Buôn Triết 1.500 ha, xã Buôn Triết 450 ha, Đắk Liêng 453 ha).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.