Thiếu khách sạn hạng sang với đầy đủ tiện ích hiện đại, sản phẩm du lịch đơn điệu… cũng đang là những tồn tại của du lịch Hải Phòng khiến du khách khó lòng 'mở ví' kể cả khi đã chọn vùng đất này làm điểm đến.
>> Vì sao du khách không 'mặn mà' với Hải Phòng?
|
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, doanh thu ngành du lịch Hải Phòng là 1.565,3 tỉ đồng, đã tăng hơn 11,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng nếu đặt số tiền trên bên cạnh con số 3,9 triệu lượt du khách đến thành phố này, sẽ thấy ngạc nhiên khi chia trung bình, mỗi du khách chỉ tiêu hơn 400.000 đồng, chưa đến 20 USD.
Thực trạng trên không không mới với du lịch Hải Phòng, từ những năm 2009 - 2010, trong các cuộc họp giữa Tổng cục Du lịch và Hải Phòng, bài toán về hiệu quả và chất lượng du lịch thành phố đã là nỗi trăn trở lớn của những người làm quản lý du lịch. Với hiệu suất doanh thu trung bình 300.000 - 400.000 đồng/du khách, nhiều người đã đặt câu hỏi “Chẳng lẽ Hải Phòng không có gì để khách tiêu tiền?”.
Thực tế, các tour du lịch nội thành Hải Phòng tuy tương đối hấp dẫn với những địa danh như Quán Hoa, Nhà hát Thành phố, tượng nữ tướng Lê Chân, đền Nghè, chùa Hàng, đình Hàng Kênh, nhưng du khách cũng chỉ biết đến xem, nhìn rồi đi. Tại những địa điểm này, nếu có chuyện “thu tiền” của du khách thì chính là việc đeo bám của người bán rong, hoặc những dịch vụ rất sơ đẳng và thiếu chuyên nghiệp như chụp ảnh hay phục vụ giải khát.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Phạm Quang Vinh nhận định: Nguyên nhân sâu xa của thực trạng khai thác du lịch của Hải Phòng không tương xứng với tiềm năng sẵn có là do tư duy lãnh đạo và cách quản lý hoạt động du lịch. “Chỉ có việc mở một cái chợ đêm cho du khách dạo chơi, mua sắm thôi mà chúng tôi xin từ năm năm nay đến giờ vẫn chưa ra được quy hoạch chợ”, ông Vinh đơn cử.
Mặc dù vậy, ông Vinh cũng thừa nhận với việc trở thành tâm điểm của “Năm du lịch quốc gia 2013”, cùng việc tổ chức một loạt các hoạt động văn hóa, thể thao…, du lịch Hải Phòng đã bắt đầu có sự khởi sắc.
“Bây giờ mới bắt đầu thì cũng là quá muộn rồi, nhưng dù sao đó vẫn là những tín hiệu đáng mừng. Hy vọng tới đây, Hải Phòng sẽ có một quy hoạch tổng thể với tầm nhìn chiến lược về du lịch, để khi không còn là tâm điểm của “Năm du lịch quốc gia” nữa, thành phố vẫn phát triển mạnh về du lịch, tương xứng với tiềm năng”, ông Vinh bày tỏ.
Những tiềm năng du lịch bị lãng quên Ngoài các danh thắng nổi tiếng được nhiều du khách biết đến, Hải Phòng còn có bốn di chỉ tiêu biểu xuyên suốt thời tiền sử, chứng minh sự có mặt liên tục của người Việt cổ là: di chỉ Cái Bèo (Cát Bà) thuộc văn hóa tiền Hạ Long, cách nay khoảng 6.475 năm; di chỉ Tràng Kênh (Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách nay khoảng 3.405 năm; di chỉ Việt Khê (Thủy Nguyên) và núi Voi (An Lão) thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 2.415 năm. Tuy nhiên, các di tích này hầu như chưa được phát huy tác dụng trong khai thác du lịch: di chỉ Tràng Kênh nay đã bị các nhà máy xi măng lấn át; di chỉ Cái Bèo dù đã được phát hiện hơn 50 năm nhưng cũng mới được khai quật và chưa thu hút được khách tham quan; trong khi các di chỉ Việt Khê và núi Voi thì hầu như không có du khách, trừ một ngày hội núi Voi tổ chức vào đầu năm. Chưa kể, thành phố còn có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo nhưng chưa được quảng bá rộng rãi để du khách biết đến và tham quan. |
Bích Ngọc
>> Chùm ảnh người dân Đồ Sơn, Hải Phòng chuẩn bị ứng phó siêu bão Hải Yến
>> Nếm Hải Phòng' trong lòng Hà Nội
>> Tuyết rơi tại Hải Phòng
>> Thủ tướng tiếp xúc cử tri H.An Dương, TP.Hải Phòng
>> Hải Phòng thất thu thuế khai thác cát
Bình luận (0)