Trong khi hàng không tăng trưởng đột phá, thậm chí cao hơn trước dịch 2019 thì đường sắt lại đang chật vật tìm lại khách hàng.
Đường sắt Bắc - Nam vẫn đang hoạt động trên hạ tầng đường ray khổ 1.000 mm được xây dựng trăm năm trước |
ngọc thắng |
Giá cao, chạy chậm
Lên kế hoạch “đổi gió” du lịch bằng tàu hỏa cho chuyến nghỉ dưỡng của 2 chị em hồi giữa tháng 6, chị Minh Lam (ngụ Q.4, TP.HCM) tìm chuyến tàu chặng Sài Gòn - Huế cách ngày đi trước khoảng 1 tuần. Thời điểm đó, trên trang web của Tổng công ty đường sắt VN hiển thị 2 chuyến tàu với 2 khung giờ chạy sáng sớm và đêm khuya. Quá lâu không di chuyển bằng tàu hỏa, chị Lam “thất kinh” khi thời gian di chuyển trên tuyến này kéo dài tới 20 giờ đồng hồ, nếu khởi hành từ ga Sài Gòn vào 6 giờ sáng thì phải tới 3 giờ 30 sáng hôm sau mới tới Huế. Giá vé ghế ngồi mềm gần 700.000 đồng/chiều, nếu chọn vé giường nằm khoang 4 thì giá gần 1,1 triệu đồng/chiều, chỉ kém giá vé máy bay cùng chặng, cùng ngày bay hơn 100.000 đồng. Nghỉ phép 4 ngày, dù chỉ đi tàu 1 chiều cũng “ngốn” mất cả ngày nên suy đi tính lại, chị Lam quyết định chọn máy bay.
Thực tế, từ khi hàng không giá rẻ ra đời, tàu hỏa gần như thất thế hoàn toàn. Đến bây giờ, khi nhu cầu du lịch đa dạng hơn, người ta đi tàu như một thú vui hoặc theo phong trào nhưng rõ ràng, đường sắt vẫn bất tiện hơn rất nhiều, việc bị hàng không và đường bộ bỏ lại là hệ quả tất yếu.
Tuyến dài bất lợi, tập trung tuyến ngắn?
Theo bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội, tuyến Hà Nội - Lào Cai hiện chỉ hoạt động trong 3 ngày cuối tuần do khách rất vắng. “Trước đây tuyến này rất đông khách du lịch đi Sa Pa, nhưng vài năm gần đây khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lượng khách đã giảm rất mạnh, trong và sau dịch Covid-19 nhiều thời điểm tuyến đã phải ngừng chạy do không có khách. Hiện tại dù là mùa du lịch nhưng cũng chỉ chạy được vào cuối tuần vì trong tuần không có khách”, bà Đào chia sẻ.
Khác với hàng không lượng khách nội địa bùng nổ trong cao điểm hè, theo ước tính của Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, lượng khách đi tàu mới chỉ đạt khoảng 60% so với thời điểm trước dịch năm 2019. Bà Phạm Thị Anh Đào nói đường sắt không có lợi thế với các chặng dài như Huế, Đà Nẵng vì đa phần khách đều chọn hàng không do thời gian di chuyển ngắn, thuận tiện hơn. Vì thế, ngành đường sắt đang tập trung vào các đoàn tàu khu đoạn ngắn như đi Quảng Bình hay tuyến foodtour Hải Phòng.
Một chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành đánh giá, ngành đường sắt đang ngày càng kém dần và trở nên tụt hậu. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, lại không được kết nối với các phương thức vận tải khác để khai thác các lợi thế của đường sắt. Các ga đường sắt quốc gia kết nối rất kém với các bến xe, xe buýt, các tuyến đường gom... khiến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách kém hấp dẫn, chi phí cao, gây lãng phí, bất tiện, giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, hệ thống quản lý ở các ga đường sắt cũng chưa được nâng cấp, chưa được trang bị, ứng dụng hệ thống quản lý hiện đại nên vận hành, khai thác đường sắt còn chưa hiệu quả và đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)