Cho đến nay, chiến thuật sử dụng chiến đấu cơ đa nhiệm của Nga để ném bom lượn dẫn đường vẫn tỏ ra hiệu quả. Những quả bom này có tầm tấn công lên đến 40 - 65 km, nhờ đó máy bay Nga có thể thả bom trong khi ở ngoài tầm tấn công của phần lớn các loại máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không trong biên chế Ukraine.
Những tiêm kích F-16 mà phương Tây sắp chuyển giao cho Ukraine được kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp để đánh chặn máy bay ném bom Nga. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Justin Bronk từ Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), F-16 sẽ phải đối mặt với thách thức từ tổ hợp phòng không của Moscow, đặc biệt là các khẩu đội S-400 có tầm bắn đến 400 km.
Trang tin Forbes dẫn phân tích của ông Bronk cho rằng nếu điều động tiêm kích F-16 để đánh chặn máy bay ném bom Nga, phi công Ukraine sẽ phải bay thấp để tránh lọt vào tầm ngắm của phòng không Nga. Tuy nhiên, việc bay ở độ cao thấp lại làm giảm hiệu quả của tên lửa không đối không AIM-120D thường được trang bị cho F-16.
Ông Bronk nhận định: "Nếu được phóng từ độ cao thấp, tên lửa AIM-120D sẽ bắt đầu bay trong môi trường không khí dày đặc, lực cản khí động học cao, đồng thời chịu tác động của trọng lực khi bay hướng lên nhằm vào mục tiêu. Kết quả là tên lửa sẽ không đạt được tốc độ hay độ cao mong muốn".
Nếu bắn từ độ cao thấp, tầm hoạt động của AIM-120 sẽ giảm hàng chục km, so với tầm bắn tối đa có thể đạt 180 km.
Điều này phần nào giải thích cho việc quân đội Ukraine thời gian qua tăng cường tập kích phá hủy các hệ thống phòng không của Nga, cũng như căn cứ đặt các máy bay ném bom và kho vũ khí của Moscow.
Một giải pháp khác, theo ông Bronk, là sử dụng vũ khí có tầm bắn xa hơn, chẳng hạn tên lửa đối không Meteor, với tầm bay hơn 200 km. Tuy nhiên, Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa này nếu được Thụy Điển chuyển giao tiêm kích JAS-39 Gripen. Stockholm đã bật đèn xanh, nhưng cho hay chỉ cân nhắc chuyển giao máy bay khi nào Kyiv nhận được những lô F-16 đầu tiên.
Bình luận (0)