Vì sao Gen Z dành thời gian ‘hẹn hò với chính mình’?

02/09/2022 11:00 GMT+7

Được đánh giá là thế hệ khác biệt, các bạn trẻ Gen Z dần biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống để tận hưởng niềm vui, chẳng hạn dành thời gian “hẹn hò với chính mình”.

Gen Z dành thời gian “hẹn hò với chính mình”

Theo khảo sát của Tổ chức tài chính GO Banking Rates (Mỹ) năm 2021, 42% người lao động Gen Z (18-24 tuổi) xem sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance) là một trong những yếu tố ưu tiên khi tìm việc.

Bên cạnh đó, quyển sách "Work/Life: Helping Gen Z Flourish & Find Balance" (tạm dịch Công việc/Cuộc sống: Giúp Gen Z thăng hoa và tìm thấy sự cân bằng) xuất bản năm 2021 của Viện nghiên cứu Springtide (Mỹ) cũng kết luận hơn 70% Gen Z nhận thấy tầm quan trọng của sự cân bằng này.

Không ít bạn trẻ Gen Z nhận thức rõ tầm quan trọng của sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc (ảnh minh họa)

N.V

Đồng tình với kết quả nghiên cứu trên, Hồ Thảo Nguyên (22 tuổi, hiện là nhân sự phân tích chuỗi cung ứng mặt hàng thể thao và nội thất, sinh sống tại đường Hoàng Diệu 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cô đi làm gần được 1 năm và thường tự đặt ra nguyên tắc sắp xếp thời gian một tuần.

“Tôi dành hoàn toàn từ thứ hai đến thứ sáu cho đồng nghiệp và công ty. Hai ngày cuối tuần là lúc tôi thư giãn và ‘hẹn hò’ với bản thân cũng như những người thân thiết. Lúc này, tôi tạm rời xa mọi thiết bị công nghệ và những thứ liên quan đến công việc. Tôi cũng thấy mình luôn hướng đến cuộc sống bình yên, thoải mái để được là chính mình”, Nguyên nói.

Hồ Thảo Nguyên

NVCC

Ngoài công việc, Nguyên còn sắp xếp thời gian để theo đuổi sở thích cá nhân. Cô chia sẻ: “Tôi có niềm đam mê to lớn đối với âm nhạc và tâm lý học. Âm nhạc cho tôi nhiều cảm hứng, năng lượng để làm việc hiệu quả. Tâm lý học giúp tôi lý giải chính mình, hiểu thêm về những người xung quanh cũng như có cách ứng xử khéo léo trong các mối quan hệ”.

Theo Nguyên, Gen Z là thế hệ cá tính khi quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại nếu không thấy hài lòng.

Cuộc sống “YOLO”

Sau 8 tháng đi làm kể từ khi tốt nghiệp ĐH, Mai Mỹ Ngọc (22 tuổi, hiện là nhân viên phát triển kinh doanh, sinh sống tại đường Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM) cho biết công việc thực tế không khác biệt so với tưởng tượng. “Trong quá trình học ĐH, tôi đã có cơ hội ‘chạy’ các dự án đòi hỏi kỹ năng vận hành và tư duy cầu tiến. Do đó, tôi dễ tiếp cận và thích nghi với công việc thực tế mà không quá khó khăn hay mất nhiều thời gian. Tôi thấy hài lòng khi chọn công việc này”, Mỹ Ngọc nói.

Thông thường, Mỹ Ngọc sẽ làm giờ hành chính nhưng vì đặc thù ngành thương mại điện tử nên khối lượng công việc luôn nhiều và thay đổi nhanh chóng. Do đó, cô không thể tránh khỏi những lúc tự làm thêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ.

“Tuy nhiên, tôi vẫn đang học cách thay đổi dần để cân bằng công việc và cuộc sống. Tôi không có phương pháp cụ thể, mà chủ yếu cố gắng tan làm đúng giờ, dành thời gian chăm sóc bản thân về mặt thể chất lẫn tinh thần nhiều hơn là tiếp tục vùi đầu vào công việc. Bên cạnh đó, du lịchgiải trí cũng là hai khía cạnh tôi chú trọng trong cuộc sống”, Ngọc cho hay.

Đây chỉ một số trường hợp đại diện cho Gen Z được các chuyên gia nhận xét là thế hệ tự do, tự chủ và sáng tạo.

“Phần lớn Gen Z mà tôi tiếp xúc có vẻ nghiêng về cuộc sống ‘YOLO’ (You only live once, tạm dịch Bạn chỉ sống một lần trong đời). Các bạn sẵn sàng dừng công việc này để tìm việc khác, hoặc dành thời gian cho trải nghiệm cá nhân hơn là công việc. Điều này có điểm tốt so với các thế hệ trước là Gen Z tự do hơn và biết cách tận hưởng cuộc sống”, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư thiên thần Đông Nam Á (Singapore), nhận xét.

Không để lệch cán cân

Dù vậy, không phải bạn trẻ nào cũng có thể đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, Đoàn Ngọc Bảo Ngân (22 tuổi, hiện làm tại khách sạn Sheraton Saigon, 88 Đồng Khởi, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) nhận thấy mình chưa áp dụng được nguyên tắc work-life balance của Gen Z vào cuộc sống.

Vừa tốt nghiệp vào cuối tháng 7.2022, Bảo Ngân nhanh chóng tìm được công việc tại bộ phận lễ tân khách sạn. So với tưởng tượng, công việc thực tế của Ngân khá căng thẳng và chiếm nhiều thời gian.

“Công việc đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác tuyệt đối vì liên quan đến tiền bạc. Ca làm kéo dài gần như một ngày, lại là ca ‘gãy’ nên tôi không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè hay chăm sóc bản thân như trước. Tôi cũng phải hoàn thành tất cả công việc mới có thể về nên sẽ ở lại trễ nếu khách đông. Vì phải tập trung đầu óc trong thời gian dài, tôi thường cảm thấy năng lượng bị ‘đốt sạch’ nên không muốn làm gì thêm sau khi tan ca”, Ngân chia sẻ.

Đoàn Ngọc Bảo Ngân

NVCC

Theo bà Nguyễn Phi Vân, giữa công việc và cuộc sống, việc nghiêng về bên nào nhiều hơn cũng không phải cách làm lý tưởng.

“Bạn trẻ cần có định hướng rõ ràng về mục tiêu sống, hành trình phía trước và giá trị mà bản thân mong muốn tạo ra. Sau đó, trong quá trình đi về phía điểm đến giá trị của cuộc sống, bạn có thể tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống cùng lúc. Tôi nhấn mạnh chữ ‘balance’ (cân bằng) ở đây nghĩa là sự kết hợp tiến thoái của cả hai mặt, hay nói cách khác là ‘work-life integration’, tức hợp nhất cuộc sống và công việc, để cả hai giúp các bạn đạt được mục đích sống chứ không tách rời nhau hay phải mang ra cân đong nặng nhẹ”, bà nói.

Bà Vân tin rằng, người trẻ càng biết cách sắp xếp, tổ chức, quản trị cuộc đời mình thì càng thành công. “Không ai chỉ chơi không mà thành công. Cũng không ai chỉ biết gục đầu xuống làm mà thành công. Thành công đòi hỏi sự minh triết trong cách đưa ra lựa chọn và quyết định. Sự minh triết đó chỉ có khi bạn trẻ Gen Z ở thế cân bằng”, bà nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.