Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ ảnh hưởng khoảng hơn 200.000 người Việt mỗi năm.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý gây tổn thương nghiêm trọng cho não bộ. Nguyên nhân do sự gián đoạn việc vận chuyển máu nuôi dưỡng não do mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ.
Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trong đó, đột quỵ nhồi máu não là tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não bị giảm đột ngột. Tình trạng này chiếm đại đa số, khoảng 85% ca đột quỵ.
Đột quỵ xuất huyết não là trường hợp hiếm gặp hơn của đột quỵ (khoảng 15%). Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ đột ngột làm máu tràn vào nhu mô não gây tổn thương não.
Mảng xơ vữa và huyết áp cao
Một chuyên gia về đột quỵ cho biết, trong mùa đông, những ngày giá rét, ca đột quỵ tăng cao, với các nguyên nhân thường gặp là tăng huyết áp. Huyết áp cao không được kiểm soát hiệu quả cùng với tình trạng tình trạng xơ vữa mạch mạch máu do rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, tăng mỡ máu xấu LDL) là các yếu tố thường gặp ở người tai biến mạch máu não.
Về "cơ chế" gây đột quỵ do các yếu tố nêu trên, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết, trong cơ thể, khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và theo thời gian sẽ hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch máu hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột (giảm thấp) đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Với người đã có xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu bị tăng độ quánh do tăng cholesterol; lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, vỡ mạch máu não, dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.
Tiểu thương chợ Bình Điền cam kết bán thực phẩm an toàn ngày tết
Tái phát sau đột quỵ não
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, sau đột quỵ thiếu máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nguy cơ tái phát đột quỵ trong 5 năm là 25%. Việc điều trị dự phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ, lên tới 80%.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ đột quỵ não không thay đổi được như tuổi, giới tính, chủng tộc..., còn có các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rung nhĩ và các bệnh lý tim mạch.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ là kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Việc này giúp phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Bác sĩ Phương lưu ý, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ não. Kiểm soát huyết áp tốt làm giảm 28% nguy cơ đột quỵ tái phát. Mục tiêu kiểm soát huyết áp xuống dưới 140/90 mmHg, và dưới 130/80 mmHg với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
Ngoài ra, các bệnh nhân đột quỵ não cần được sàng lọc và phát hiện đái tháo đường. Người mắc đái tháo đường cần có chế độ ăn phù hợp, chế độ tập luyện kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường.
Đồng thời, kiểm soát tốt tăng cholesterol máu giúp giảm 16% nguy cơ đột quỵ tái phát; và kiểm soát các bệnh lý kèm theo, như: các bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, bệnh van tim...), xơ vữa động mạch cảnh.
Bình luận (0)