Vì sao 'giấc ngủ trắng' là nỗi ám ảnh của cánh tài xế?

Lê Cầm
Lê Cầm
25/10/2023 03:52 GMT+7

'Giấc ngủ trắng' thường được sử dụng để mô tả tình trạng mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc. Khi thiếu ngủ, chúng ta có nguy cơ bị những cơn buồn ngủ bất ngờ, khó tập trung trong công việc. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với cánh tài xế.

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Thu, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM) cho biết, đa phần chúng ta cảm thấy dễ chịu sau một giấc ngủ ngon và trở nên gắt gỏng hoặc khó chịu nếu thiếu ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng không chỉ đối với sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Ngủ kém hoặc không đủ giấc đã được chứng minh là làm tăng phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với các tác nhân gây căng thẳng và làm giảm cảm xúc tích cực.

Người thiếu ngủ có nguy cơ cao bị những cơn buồn ngủ bất ngờ ngay lập tức, khó tập trung trong công việc. Điều này đặc biệt nguy hiểm hơn khi đang lái xe.

Vì sao 'giấc ngủ trắng' là nỗi ám ảnh của cánh tài xế? - Ảnh 1.

Hãy đảm bảo bạn đã ngủ ít nhất 6-7 tiếng để cơ thể tỉnh táo, minh mẫn nhất

Shutterstock

"Giấc ngủ trắng" là gì?

Theo bác sĩ Võ Thị Ngọc Thu, "giấc ngủ trắng" không phải là một thuật ngữ y học chính thống mà thường được sử dụng để mô tả tình trạng mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc.

"Giấc ngủ trắng" là tình trạng rối loạn thần kinh khiến người mắc mất khả năng kiểm soát cơn buồn ngủ và khó giữ được tỉnh táo khi cần thiết. Nó thường ập đến vào thời gian trưa, sau khi lái xe dùng bữa thì "căng cơ bụng, trùng cơ mắt" hoặc có thể là lúc chiều tà, cơ thể bắt đầu rệu rã bởi một ngày làm việc mệt mỏi. Đôi mắt khi ấy có thể vẫn mở, nhưng cơ thể rơi vào trạng thái ngủ, có thể chỉ là vài giây thôi nhưng khi đang lái xe thì lại đặc biệt nguy hiểm.

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Thu cho biết, có thể nhận biết sớm nguy cơ rơi vào trạng thái "giấc ngủ trắng" thông qua các dấu hiệu như: Khó tập trung, mơ màng, mí mắt nặng, ngáp thường xuyên, cảm thấy không yên hoặc dễ bị kích động.

"Cách tốt nhất để chống lại cơn buồn ngủ là đi ngủ, một giấc ngủ ngắn tầm 10-15 phút sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Kẹo cao su, mở nhạc sôi động, cà phê, nước tăng lực… chỉ hỗ trợ tạo tâm lý thoải mái hơn, nếu sử dụng liên tục chỉ làm cơ thể thêm mệt mỏi, không tốt cho sức khỏe", bác sĩ Thu khuyến cáo.

Cách giúp hạn chế tình trạng "giấc ngủ trắng"

Ngủ đủ giấc: Nếu phải cầm lái trong một hành trình dài, hãy đảm bảo trước đó bạn đã ngủ đủ ít nhất 6-7 tiếng để cơ thể tỉnh táo, minh mẫn nhất.

Không uống rượu bia, thuốc gây buồn ngủ: Các chất kể trên có thể ức chế thần kinh, khiến bạn dễ buồn ngủ. Hơn nữa, sử dụng rượu, bia trước khi lái xe là hành vi bị nghiêm cấm.

Chia chặng đường, nghỉ ngơi nhiều hơn: Không nên lái xe liên tục quá 3 giờ. Bạn cũng cần nghỉ ngơi giữa mỗi chặng để dành thời gian nạp năng lượng, uống nước, rửa mặt, đi vệ sinh để cơ thể có trạng thái tốt nhất.

Không nên nghe nhạc quá “êm”: Nghe nhạc khi lái xe luôn là điều không thể thiếu. Tuy nhiên việc bật những ca khúc quá du dương, đều đều sẽ khiến cơn buồn ngủ ập đến nhanh hơn.

Nên tấp vào lề ngủ 15 phút nếu cảm thấy không thể điều khiển được xe nữa: Nếu cơn buồn ngủ ập đến quá nhanh, tuyệt đối không được đi cố mà hãy đỗ xe vào vị trí thích hợp, chợp mắt khoảng 15 phút để cơ thể được nghỉ ngơi.

Ngoài ra, bác sĩ Thu khuyến cáo nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài, gây suy nhược thần kinh và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, bạn cần đi khám ngay. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ không có chỉ định của bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.